Pages

Wednesday 30 May 2012

Tâm sự mùa thi


Chào các bạn,
Đợt này khi các bạn đăng ký cho con đi dã ngoại tôi mới biết có nhiều bạn sẽ có con năm nay phải thi chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10) hay thi vào trường chuyên, hoặc thi đại học. Tôi muốn viết e-mail này xin trao đổi với các bạn 1 số kinh nghiệm khi đi thi của tôi. Mặc dù tôi thi trượt rất nhiều nhưng hy vọng 1 phần nào có thể  giúp các cháu có thêm “tuyệt chiêu” cũng như tránh được các sai lầm đáng tiếc.

1. Không chép đề thi: (có thể bây giờ thì đã lạc hậu vì đề thi toàn được photocopy  phát tới từng thí sinh và ko phải chép đề nhưng tôi cứ viết ra, biết đâu còn có những kỳ thi mà đề thi được viết lên bảng). Do chép đề thi thì mình cũng ko được tính điểm mà ko chép đề thi thì mình cũng ko bị trừ điểm, đồng thời thời gian thi được tính từ khi chép đề xong nên tôi nghĩ tốt nhất là đừng chép đề thi. Khi giám thị bắt đầu chép đề lên bảng thì cũng là lúc mình bắt đầu làm bài luôn, việc này đôi khi có thể làm cho mình dôi ra đến 20-30 phút so với các bạn khác. Hơn nữa thường câu 1 là câu dễ nên mình cố gắng làm luôn trong tinh thần thoải mái (vì ăn gian được giờ) sẽ tránh được các sai sót ngớ ngẩn kiểu 2 + 3 = 6 và thêm tự tin để làm các câu sau.

2. Chỉ nháp 1 mặt: Các bạn lưu ý các con (đặc biệt khi thi toán) chỉ nháp 1 mặt . Thường thì khi nháp đến hết mặt 1 là lúc triển khai ra được nhiều con số lằng nhằng nhất do vậy nếu theo thói quen mình nháp tiếp sang mặt 2 thì mình vừa phải lật mặt nháp đi lật mặt nháp lại để chuyển phần đang triên khai sang mặt 2. Đây là lúc rất hay chép nhầm kiểu 2y3 lại chép sang thành 3y2. Vì chép nhầm nên chắc chắn làm sẽ ko ra, hoặc ra đáp số sai, đồng thời rất khó phát hiện ra chỗ sai của mình. Để khắc phục lỗi chép sai này các bạn nên nháp tiếp vào mặt 1 của tờ nháp mới, như vậy rất dễ theo dõi vì nó liên tục. Giấy nháp khi thi được phát vô tư nên đừng tiết kiệm.

3. Nghi ngờ khi đáp số quá phức tạp: Thông thường thì đáp số tương đối “đẹp”. Tôi xin nhắc lại là “thông thường” thôi nhé. Đẹp ở đây tức là nó không quá dài, lằng nhằng và bất thường kiểu như có đến cả căn bậc 11. Khi thấy hiện tượng này nên kiểm tra lại toàn bộ phần triển khai vì rất có thể bị nhầm ở đâu đó.

4. Đừng vội xóa phần làm sai và  hãy chép toàn bộ phần đã triển khai: Khi phát hiện ra phần mình làm sai trong bài làm, đừng hoảng loạn lấy bút gạch toàn bộ câu này. Hãy bình tĩnh làm lại phần này vào trong bài làm. Khi nào đã chắc chắn làm lại xong rồi thì hãy xóa bỏ phần làm sai để đề phòng trường hợp đã xóa phần làm sai nhưng chưa kịp chép lại phần làm đúng thì đã hết giờ trong khi đó khi chấm điểm lại làm đúng đến đâu cho điểm đến đấy. Có khi làm ra đáp số sai nhưng một phần triển khai đúng thì vẫn có điểm.

Khi vẫn còn thời gian mà mình không thể làm thêm được câu nào nữa, cứchép tất cả các phần mình triển khai để làm các câu chưa làm được vào bài làm vì đúng đến đâu chấm điểm đến đấy nên có khi vẫn được ¼ đến ½ điểm nếu theo hướng đó có thể giải quyết bài toán. Khi đi thi cần “tiết kiệm” hoặc “kiếm” từ ¼ điểm một. Cộng cả 3 bài thi như Toán. Lý, Hóa lại thì số điểm này sẽ không nhỏ chút nào.

5. Quay cóp: Tôi không hề có ý định xui các con quay cóp trong khi thi, vì nếu bị giám thị phát hiện thì hậu quả khôn lường, nhiều khi công sức học ôn rồi thi cử vất vả lại thành công cốc, nếu bị đuổi thi. Nhưng nhân tiện con của Hùng tinh ý phát hiện ra tôi còn "tuyệt chiêu" quay cóp, nên tôi cũng trao đổi luôn.

Tôi nhìn bài và quay cóp từ bé nên cũng có chút kinh nghiệm.
Hồi cấp 2 tôi có nhìn bài của bạn nhưng quả thực là không có kinh nghiệm gì về việc nhìn bài này. Tôi chỉ xin đứa ngồi bên cạnh cho nhìn bài thôi. Nó thì quay, quay xong nó viết ra và mình nhìn bài nó rồi chép vào bài mình thôi miễn sao đừng để giáo viên phát hiện ra. Nhìn bài bạn thực ra rất bị động, đồng thời nếu nó bị bắt hay không cho mình nhìn bài nữa coi như mình cũng không làm được bài.

Tuy nhiên, lên lớp 8 tôi đã trưởng thành và bắt đầu tự lập. Mình đơn thương độc mã, tự làm tự chịu nên tôi bắt đầu tự quay cóp từ năm lớp 8 khi vào PTCN. Tôi không dám nói là học sinh duy nhất nhưng có lẽ là 1 trong rất rất ít học sinh PTCN quay cóp ngay từ những bài kiểm tra đầu tiên khi học trong trường. Thực ra tôi thấy môi trường PTCN rất phù hợp cho quay cóp, tuyệt đại đa số các bạn đều là học sinh ngoan, có lòng tự trọng cao nên không ai quay cóp mà khi đã không có ai quay cóp thì giáo viên sẽ chủ quan, không trông gắt gao và thế là tôi bắt đầu quay. Tôi có thể “tự hào” khoe với các bạn rằng tôi quay từ năm lớp 8 cho đến khi thi tốt nghiệp đại học mà chưa 1 lần bị bắt. Việc này có bạn Đặng Minh làm chứng. Tôi ngồi cạnh Đặng Minh từ giữa năm lớp 11 và học mấy năm đại học cùng lớp với Đặng Minh.

Không hiểu sao tôi chẳng thể nào học thuộc lòng được các môn như sinh, sử, địa, chính trị.

Tôi học chuyên ngữ những ba năm
Ba năm vật lộn với khó khăn
Chẳng biết do ngu hay trời hại
Môn nào tôi cũng gặp khó khăn
Đến khi kiến thức không còn nữa
Mới biết rằng tôi chỉ cóp quay

nên muốn lên lớp đối với tôi chả có cách nào khác là phải quay. Hồi đầu thô sơ thì tôi đút sách ngăn bàn rồi thò ra thụt vào quay cóp, nhưng cách này rất nguy hiểm, rất dễ bị bắt. Sau đó tôi quay bằng cách khi thày cô chép đề kiểm tra hoặc thi lên bảng, tôi giở sách thật nhanh và xé phần liên quan, sau đó thả xuống nền nhà, lấy chân di đi di lại cốt để cho nó trông bẩn bẩn như rác. Tiếp theo là bắt đầu nhìn xuống nền nhà và chép. Ngày xưa đi học toàn đi dép lê nên việc lật trang bằng chân ko có gì là khó cả. Cách này hơi tốn kém vì sau đó phải mua lại SGK để còn dùng cho các kỳ kiểm tra hoặc thi sau.

Đối với các môn có câu hỏi đề cương, câu hỏi ôn tập, tôi thường làm theo mấy cách sau :

- Chép câu trả lời ra tờ giấy trắng (chỉ chép 1 mặt để tránh hằn lên ko đọc được) bằng bút bi đã hết mực. Khi thi chỉ cần đàng hoàng để lên bàn, nhìn nghiêng là cứ  thế là chép vào bài làm.

- Mua 2 chiếc quạt giấy loại có nan. Nên chọn loại có màu sắc tương  đối đậm, sau đó chép phần trả lời của các câu vào phần giấy giữa các nan theo thứ tự câu hỏi. Ngày trước thi toàn ở nhà UNICEF, không có quạt nên rất nóng, học sinh mang quạt khi thi là chuyện rất bình thường. Nhớ mang 2 chiếc vì đề phòng bị thày cô trông thi mượn để quạt thì đưa chiếc dự phòng ra, kẻo toi.

- Làm phao. Đây là cách quay toàn nhất. Khổ rộng phao nên chỉ 3 - 3,5 cm thôi, sau đó nên gập trước rồi mới chép để tránh có những dòng nằm đúng nếp gập rất khó đọc. Nên tập giở phao bằng ngón tay trái cho thuần thục. Đừng lấy đầu bút tay phải lật phao vì có thể bị thày cô phát hiện. Cách giấu phao như thế nào cũng cần phải trao đổi. Thường thì khi thi có không quá 20 câu hỏi nên đừng buộc tất cả 20 phao này trong 1 bó, rất khó tìm và dễ dính vào nhau. Tôi thường làm theo cách luồn 4 chiếc chun vào 2 cổ chân và 2 bắp tay, sau đó treo theo chiều kim đồng hồ bắt đầu từ cổ chân trái các câu từ 1-5, sau đó treo ở cổ chân phải các câu từ 6-10, bắp tay trái 11-15 và bắp tay phải 15-20. Tôi cũng thường chép lại các câu hỏi ôn tập ra 1 chiếc phao riêng gọi là phao tổng. Khi bắt đầu thi, thày cô sẽ phải chép đề lên bảng, đây là lúc nhốn nháo nhất nên phải tranh thủ giở phao tổng ra và định vị các câu hỏi thi nó là câu thứ mấy và thật nhanh rút các phao thi này cho vào túi. Đừng cho cả vào 1 túi. Nên làm theo thứ tự như câu 1 để túi quần trái, câu 2 để túi quần phải, câu 3 để túi quần sau. Đừng để phao ở túi áo rất dễ bị phát hiện khi thày cô lượn quanh bàn. Thi viết thường chỉ đến 3 câu là cùng. Sau đó thu toàn bộ các phao ko dùng đến cất ngay vào cặp cho an toàn.

Khi thày cô đã chép đề xong và bắt đầu coi thi thì lúc này đừng vội giở phao ra và chép. Khoảng 10 phút đầu trông thi các thày cô thường đang rất xung, rất tinh khi thấy học sinh loáy hoáy. Các bạn cứ để ý mà xem thường quay cóp rất hay bị bắt lúc lục tục giở sách, giở phao trong độ mươi phút đầu thôi. Đừng vội, muốn nhanh thì phải từ từ mà. Lúc này là lúc nên thong thả chép đề xuống bài làm cứ như là mình bắt đầu làm bài. Sau đó lựa tình hình mà giở phao ra và chép thôi, khi chép nên thỉnh thoảng nhìn thẳng vào mặt thày cô ra điều suy nghĩ. Mặt phải tỏ ra hơi ngu ngu ngơ ngơ, đừng mắt la mày lét. Tôi ko hiểu sao chứ khi 2 ánh mắt gặp nhau mà mình lại là người chủ động nhìn thẳng vào thày cô là thày cô thường “lảng” nhìn đi chỗ khác, như vậy mình quay sẽ được an toàn hơn. Khi thày cô lượn đi các bàn và đến bàn mình đừng ngồi ko viết gì, lúc đó cứ viết đại ba lăng nhăng cái gì cũng được sau đó xóa đi sau vì thày cô sẽ nghi mỗi khi xuống chỗ mình thì ko thấy viết gì sau đó vừa mới đi được mấy bước lại thấy viết lia lịa.

Tôi viết ra kinh nghiệm quay cóp của tôi nhưng các bạn đừng phổ biến cho các con nhé vì ở các kỳ thi quan trọng nếu quay cóp mà bị bắt coi như xong. Quay cóp cần phải luyện tập, không thể 1 sớm 1 chiều mà thành được. Quay cóp có khi thích hợp nhất là khi học đại học trong nước.

Chẳng dám chúc thành công, chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho vui thôi.


NĐH (K13A)

3 comments:

  1. Tuần này có một số con chúng ta sẽ thi vào các lớp chuyên của trường Sư phạm và Chuyên ngữ, đúng lúc mình mở blog ra được đọc lại những chia sẻ quí báu này. Theo đúng như tinh thần đã trao đổi, chỉ trước khi thi một ngày mới lưu ý các con cho chúng đỡ quên nhỉ.
    Chúc tất cả các con làm bài thi thật tốt!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Hoan chia sẻ kinh nghiệm. Theo đúng ý Hoan, tôi không post "tuyệt chiêu" cuối cùng của cậu. Chiêu thức đó thôi để lưu hành nội bộ. Chứ lộ ra, nhỡ "võ sinh" nào công lực chưa thâm hậu mà tập khéo tẩu hỏa nhập ma, hì hì!

      Delete
  2. Chào các bạn!
    Nhân nói kinh nghiệm đi thi, tôi cũng xin góp chút kinh nghiệm.
    Với phương châm "thi thì phải đỗ" nên trong cuộc thi không nên bỏ qua cơ hội nào để dành số điểm.

    Cái tôi muốn nói là quay cóp, bây giờ mang phao hay tài liệu vào phòng thi chắc không được, nhưng nếu có cơ hội nào quay được bài của bạn không nên bỏ qua vì nhiều khi gặp các dạng bài đã được ôn rồi nhưng vào đúng thời điểm đó lại quên (có thể do các con quá căng thẳng), 1 sự gợi ý nào đó là rất cần thiết và các con có thể dành điểm.

    Tôi còn nhớ hồi tôi thi đại học,ngồi cạnh 1 cậu đeo kính cũng tên là Hải, hôm đó đề thi có con lượng giác được 1 điểm, rõ ràng là tôi được ôn dạng bài này rồi nhưng không biết giải quyết thế nào, khi chỉ còn 5 phút là hết giờ, mọi ng bắt đầu xôn xao bàn về đáp số, tôi quay ra hỏi nhỏ: đáp số con lượng thế nào nhỉ? Cậu ta lười trả lời nên giơ bài cho tôi liếc, thế là chỉ 2 phút sau bài của cậu ta đã ở trong bài của tôi... tôi dành được trọn vẹn 1điểm nhờ câu lượng giác đó.

    Năm đó tôi được 16 điểm,điểm vào trường là 15.5 ! Thử hỏi nếu tôi không may mắn thì trượt mất rồi, có khi chỉ vì 1/4 hay 1/2 điểm thôi, Khi vào trường, tôi cứ tìm cậu nào tên là Hải có đeo kính để cảm ơn mà chẳng thấy đâu!

    Tôi sức học thường thường bậc trung nhưng lại rất hay gặp may khi đi thi, cũng phổ biến chút kinh nghiệm giúp các con. Nên nhớ Học tài thi phận, chuẩn bị ôn thi tốt là điều kiện cần nhưng chưa đủ, điều kiện cần và đủ trong 1 cuộc thi là phải biết tận dụng tối đa mọi cơ hội dành điểm.

    Tất nhiên, điều căn bản vẫn cần phải khổ luyện trong việc ôn thi, rồicơhội và may mắn sẽ đến với mình.

    Chúc các con 1 mùa thi thành công!

    ReplyDelete