Pages

Tuesday 29 May 2012

Khi con ham chơi games (2)

Con cái ham chơi games – là phụ huynh chúng ta nghĩ gì ?
(Tâm sự của người bố từng là “game thủ”)


Phần 2: Chân dung cựu game thủ chuyên nghiệp

Game online phát triển mạnh tại VN từ tháng 6/2005 với Võ lâm truyền kỳ (VLTK) , hàng triệu người chơi, hàng trăm nghìn tiệm net mọc ra, chủ tiệm net, công ty quản trị games….ai ai cũng ăn nên làm ra trừ các game thủ bắt đầu trở thành con nghiện, bỏ vợ bỏ con, bỏ học, hàng trăm tỷ đồng trở thành giờ chơi game, đồ ảo, sức khỏe suy mòn vì cày games… Tệ nạn phát sinh. Lúc này game online (qua đó là cả các games đã tồn tại từ trước bị qui cho là Nguyên nhân của mọi vấn đề xã hội, nhất là với con trẻ).

Tháng 7/2005 khi chưa đầy 10 tuổi, con trai mình bắt đầu theo đuôi mấy anh chơi VLTK rất say mê. Là người cha mình quyết tâm tìm hiểu VLTK là gì mà có sức lôi cuốn cả xã hội như vậy và cũng trở thành game thủ như ai từ 9/2005. Hồi đầu còn ra tiệm net chơi cho xôm tụ (lúc nào cũng đầy kín và 99% chơi VLTK đủ mọi lứa tuổi), sau này do con mới 10 tuổi lại còn đang đi làm nên đưa lý do này để “mị dân” và trang bị ADSL tốc độ cao, 4 máy tính tại nhà 2 cha con cùng chơi và mời cả bạn đến nhà chơi….

Sau khi đầu tư xong “cơ sở hạ tầng” là bắt đầu vòng quay của cuộc chơi. Dù luôn tự vấn lương tâm là mình chơi games là để giáo dục con biết kiềm chế/self control, là chơi cho vui/giải trí chứ không “nghiện”, là không ảnh hưởng đến công việc, gia đình và sức khỏe cá nhân, nhưng đến hôm nay có thể nói thật lòng đó chỉ là “lý do biện hộ của các game thủ”.

Cũng thức đến 1-2 h sáng để cày lên cấp (Thứ 7/CN có thể đến 5h sáng), cũng tham gia chiến trường Tống Kim để chiến đấu vì Bang Hội, offline hàng tuần vô bổ để nghe các Bang chủ, Trưởng Lão, Đội trưởng và các thành viên Bang bàn bạc về chiến thuật thi đấu, về các kỹ năng/tuyệt chiêu games và cả những nhân vật/món đồ ẢO được giao dịch với giá cả tỷ đồng VN THẬT, đi liên hoan sau chiến thắng của Bang v.v.. Các thành viên trong Bang thì bất kể thành phần, từ các anh tuổi >50 với địa vị XH cao như phó TGD cty thành viên PetroVN đến các cháu (trong games nó gọi mình = anh) tuổi 18-20. Đa số là sinh viên ĐH từ tỉnh lên thành phố học và các thanh niên tuổi 20-35 làm công việc tự do, buôn bán (có thành viên con đại gia rất giầu, có account trị giá > 1.5 tỷ đồng). Về sau mới thấy tác hại ghê gớm của games khi sinh viên bỏ học, bị đuổi học, sa vào cạm bẫy xấu để có tiền chơi game…

Sáng đến công ty thì mệt nhoài vì cày game khuya quá, lại yêu cầu lắp riêng đường direct line (không qua hệ thống chung của cty) cho sếp chơi game mới ghê chứ (thời gian này mình đã quyết định chuyển ra làm ngoài nên ở lại cty 12 tháng để tiếp tục đào tạo thế hệ kế cận theo cam kết với tập đoàn, không tham gia nhiều vào day-to-day work). Vì là sếp nên ko ai đuổi việc.

Về nhà thì 2 cha con lao đầu vào máy tính, ăn uống sinh hoạt lung tung và tất nhiên là bà xã rất, rất buồn phiền. Mặc dù luôn lấy quyền làm bố để bắt con đi ngủ lúc 11h để sáng hôm sau đi học nhưng bản thân thì lại ko gương mẫu… Dù kiếm khá nhiều tiền THẬT từ game ẢO nhưng cũng bỏ ra không ít tiền để đầu tư ẢO…, tuy không đến mức “ngu nặng” để bỏ ra hàng trăm triệu mua đồ ảo nhưng cũng bỏ cả hàng chục triệu mua đồ/vũ khí ảo làm quà tặng sinh nhật cho con trai.

Cứ thế cuộc sống trôi qua lẫn lộn lung tung giữa thế giới ảo và thật cho đến cuối năm 2007 (khoảng 2 năm chơi tích cực), bắt đầu thấy…chán và chơi cầm chừng. Đến giờ này thì cậu con trai 12 tuổi gần như cũng buông đao gác kiếm với Võ Lâm Truyền Kỳ để chinh chiến ở game mới (Thế Giới Hoàn Mỹ, Thiên Long Bát Bộ v.v.), chỉ còn lại một mình và sau nhiều tháng dặt dẹo với games, ngày chơi 2-3 tiếng, không thức đêm hôm nữa, quãng 2008 tôi chính thức “giã từ vũ khí” do bận công việc + chán game + cảm thấy không ổn về sức khỏe & gia đình. Sau đó khoảng 1 năm có giở ra chơi lại theo kiểu phong trào, lần này hoàn toàn chơi giải trí, tuy nhiên cũng chỉ được vài tháng thì tổng kết tài sản bán được khoảng 5 triệu và đem accounts đi cho. Kết thúc khoảng 3 năm chơi games như 1 game thủ chuyên nghiệp (with intervals).

Cũng từ đó bố thì không chơi game luôn, con thì sau qua trải qua những thử nghiệm xương máu cũng quyết định games là trò chơi, không có người đồng hành (là bố) nên cũng dần dần bỏ games online. Thay vào đó là tiếp tục chơi offline bằng Playstation, X-Box cho đến ngày nay. Hiện nay tôi không chơi game nữa còn con trai (tuổi 17) thì ngày nào cũng chơi (như đã tâm sự với các bạn), tuy nhiên không có cảnh thức đêm hôm cày game, ngày chơi khoảng 2 – 3 tiếng trước và sau khi học bài. Khi cần thì vẫn bỏ games đi du lịch mà không quá nhớ nhung (vì có Ipad, Kindle Fire mang theo), tóm lại lúc này games với con đã thực sự là một trong nhiều thú giải trí bên cạnh thể thao (bơi, bóng rổ, đá cầu), xem đá bóng cùng bố mỗi tối thứ 7 & CN, xem phim, đọc sách…Games đã không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, xã hội, sức khỏe, học hành vì con trai đã self control đối với games.

Được và mất

Trên phương diện sức khỏe: việc đam mê game, sinh hoạt không điều độ đã làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôi trong giai đoạn 2006-2007, ốm vặt liên tục. Đến giờ nghĩ lại mới thấy mình “ngu” vì không tự kiểm soát được. Thành thực khuyên các bạn hoặc có con đang chơi games giống bố con tôi hãy xem lại mình mà cố gắng có điều chỉnh hợp lý kẻo muộn. MẤT.

Trên phương diện gia đình: sợi dây kết nối chung trong gia đình bị games cắt đứt, 2 bố con ít khi chơi với mẹ, cũng ko còn nhiều thời gian cả nhà ăn bữa cơm đàng hoàng, nói chuyện XH ngoài chuyện games. MẤT

Sợi dây kết nối 2 bố con khăng khít hơn, hiểu nhau hơn và thực sự qua games đã trở thành bạn tốt của nhau. ĐƯỢC.

Trên phương diện tài chính: thu nhập của gia đình không bị ảnh hưởng vì vẫn có thu nhập bình thường từ công việc và đầu tư. Riêng trong năm 2006, kiếm được khoảng > 30 triệu VND từ games ảo và chi ra khoảng 20 Triệu, tuy nhiên chi phí đầu tư máy móc, ADSL .v.v tính ra là vẫn lỗ. MẤT

Trên phương diện giáo dục con cái: Game mang lại nhiều kỹ năng cho con trẻ kể cả IT và học tiếng Anh. Bằng games đã dậy được con trai từ khi 10 tuổi phân biệt được thế nào là “quân tử - tiểu nhân – lừa lọc – tình bạn – niềm tin –quyết tâm chiến thắng – chiến thuật  v.v.”
Khi mới chơi bữa đó về nhà nghe cậu ta khóc vì quá tin 1 thằng trong games đến nỗi đưa luôn account cho nó + password, sau đó bị lột sạch đồ, vũ khí, tiền ảo…bài học đứa trẻ nhận được là trong xã hội có người tốt người xấu, cần tỉnh táo & sáng suốt chọn bạn mà chơi. Thêm bài học nữa là kinh doanh trên games, lúc nào mua vào, mua gì, đầu cơ, lúc nào bán ra thu lời v.v. Theo tôi nếu chỉ ngồi nói chưa chắc đưa con 10 tuổi có thể tiếp thu được được những bài học “trường đời’ như trên mà qua hành xử games đã có thể giáo dục giới tính con trẻ. ĐƯỢC (tuy nhiên có thể giáo dục theo phương pháp khác tốt hơn)

Chia sẻ quan điểm

Câu chuyện trên là thật 100% vì đó là chuyện của tôi và con trai. Tùy các bạn cân nhắc xem nên “xử lý” vấn đề chơi game của con như thế nào. Nếu được làm lại thì tôi vẫn lựa chọn tham gia vào chơi cùng con trai mình qua đó có điều kiện gần gũi, hiểu con và giáo dục con tốt hơn, có chăng điều không nên lặp lại là trở thành game thủ chuyên nghiệp trong gần 3 năm để phải “trả giá” khi không hoàn toàn kiểm soát được games, được mình (điều mà các bạn gọi tôi là “chuột bạch” làm thí nghiệm để dạy con).

Chắc chắn các bạn sẽ có nhiều phương pháp tốt hơn để giáo dục con cái trong chuyện chơi games, tuy nhiên, cũng mong các ban cân nhắc ý kiến của tôi về chơi Games ngày nay: a/ là thực tế hiển nhiên trong quá trình phát triển của xã hội và CNTT, b/ chấp nhận nó và cố gắng hạn chế tiêu cực của nó và hướng đên các yếu tố tích cực (nếu có), c/ hoặc chí ít cũng coi nó GAMES – Trò chơi giải trí.

Nếu làm tốt được điều này chắc chẳng còn phải lo lắng nhiều về chuyện con chơi games hay không.

Chúc các bạn thành công.

TNH
Tháng 4/2012


1 comment:

  1. Cám ơn HAT. Cậu post thêm mấy bài thơ của Khốt vào đi cho đậm đà. Mỗi mình Tuấn biết IT nên làm admin luôn vậy.

    ReplyDelete