Pages

Wednesday 30 May 2012

Tâm sự mùa thi


Chào các bạn,
Đợt này khi các bạn đăng ký cho con đi dã ngoại tôi mới biết có nhiều bạn sẽ có con năm nay phải thi chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10) hay thi vào trường chuyên, hoặc thi đại học. Tôi muốn viết e-mail này xin trao đổi với các bạn 1 số kinh nghiệm khi đi thi của tôi. Mặc dù tôi thi trượt rất nhiều nhưng hy vọng 1 phần nào có thể  giúp các cháu có thêm “tuyệt chiêu” cũng như tránh được các sai lầm đáng tiếc.

1. Không chép đề thi: (có thể bây giờ thì đã lạc hậu vì đề thi toàn được photocopy  phát tới từng thí sinh và ko phải chép đề nhưng tôi cứ viết ra, biết đâu còn có những kỳ thi mà đề thi được viết lên bảng). Do chép đề thi thì mình cũng ko được tính điểm mà ko chép đề thi thì mình cũng ko bị trừ điểm, đồng thời thời gian thi được tính từ khi chép đề xong nên tôi nghĩ tốt nhất là đừng chép đề thi. Khi giám thị bắt đầu chép đề lên bảng thì cũng là lúc mình bắt đầu làm bài luôn, việc này đôi khi có thể làm cho mình dôi ra đến 20-30 phút so với các bạn khác. Hơn nữa thường câu 1 là câu dễ nên mình cố gắng làm luôn trong tinh thần thoải mái (vì ăn gian được giờ) sẽ tránh được các sai sót ngớ ngẩn kiểu 2 + 3 = 6 và thêm tự tin để làm các câu sau.

2. Chỉ nháp 1 mặt: Các bạn lưu ý các con (đặc biệt khi thi toán) chỉ nháp 1 mặt . Thường thì khi nháp đến hết mặt 1 là lúc triển khai ra được nhiều con số lằng nhằng nhất do vậy nếu theo thói quen mình nháp tiếp sang mặt 2 thì mình vừa phải lật mặt nháp đi lật mặt nháp lại để chuyển phần đang triên khai sang mặt 2. Đây là lúc rất hay chép nhầm kiểu 2y3 lại chép sang thành 3y2. Vì chép nhầm nên chắc chắn làm sẽ ko ra, hoặc ra đáp số sai, đồng thời rất khó phát hiện ra chỗ sai của mình. Để khắc phục lỗi chép sai này các bạn nên nháp tiếp vào mặt 1 của tờ nháp mới, như vậy rất dễ theo dõi vì nó liên tục. Giấy nháp khi thi được phát vô tư nên đừng tiết kiệm.

3. Nghi ngờ khi đáp số quá phức tạp: Thông thường thì đáp số tương đối “đẹp”. Tôi xin nhắc lại là “thông thường” thôi nhé. Đẹp ở đây tức là nó không quá dài, lằng nhằng và bất thường kiểu như có đến cả căn bậc 11. Khi thấy hiện tượng này nên kiểm tra lại toàn bộ phần triển khai vì rất có thể bị nhầm ở đâu đó.

4. Đừng vội xóa phần làm sai và  hãy chép toàn bộ phần đã triển khai: Khi phát hiện ra phần mình làm sai trong bài làm, đừng hoảng loạn lấy bút gạch toàn bộ câu này. Hãy bình tĩnh làm lại phần này vào trong bài làm. Khi nào đã chắc chắn làm lại xong rồi thì hãy xóa bỏ phần làm sai để đề phòng trường hợp đã xóa phần làm sai nhưng chưa kịp chép lại phần làm đúng thì đã hết giờ trong khi đó khi chấm điểm lại làm đúng đến đâu cho điểm đến đấy. Có khi làm ra đáp số sai nhưng một phần triển khai đúng thì vẫn có điểm.

Khi vẫn còn thời gian mà mình không thể làm thêm được câu nào nữa, cứchép tất cả các phần mình triển khai để làm các câu chưa làm được vào bài làm vì đúng đến đâu chấm điểm đến đấy nên có khi vẫn được ¼ đến ½ điểm nếu theo hướng đó có thể giải quyết bài toán. Khi đi thi cần “tiết kiệm” hoặc “kiếm” từ ¼ điểm một. Cộng cả 3 bài thi như Toán. Lý, Hóa lại thì số điểm này sẽ không nhỏ chút nào.

5. Quay cóp: Tôi không hề có ý định xui các con quay cóp trong khi thi, vì nếu bị giám thị phát hiện thì hậu quả khôn lường, nhiều khi công sức học ôn rồi thi cử vất vả lại thành công cốc, nếu bị đuổi thi. Nhưng nhân tiện con của Hùng tinh ý phát hiện ra tôi còn "tuyệt chiêu" quay cóp, nên tôi cũng trao đổi luôn.

Tôi nhìn bài và quay cóp từ bé nên cũng có chút kinh nghiệm.
Hồi cấp 2 tôi có nhìn bài của bạn nhưng quả thực là không có kinh nghiệm gì về việc nhìn bài này. Tôi chỉ xin đứa ngồi bên cạnh cho nhìn bài thôi. Nó thì quay, quay xong nó viết ra và mình nhìn bài nó rồi chép vào bài mình thôi miễn sao đừng để giáo viên phát hiện ra. Nhìn bài bạn thực ra rất bị động, đồng thời nếu nó bị bắt hay không cho mình nhìn bài nữa coi như mình cũng không làm được bài.

Tuy nhiên, lên lớp 8 tôi đã trưởng thành và bắt đầu tự lập. Mình đơn thương độc mã, tự làm tự chịu nên tôi bắt đầu tự quay cóp từ năm lớp 8 khi vào PTCN. Tôi không dám nói là học sinh duy nhất nhưng có lẽ là 1 trong rất rất ít học sinh PTCN quay cóp ngay từ những bài kiểm tra đầu tiên khi học trong trường. Thực ra tôi thấy môi trường PTCN rất phù hợp cho quay cóp, tuyệt đại đa số các bạn đều là học sinh ngoan, có lòng tự trọng cao nên không ai quay cóp mà khi đã không có ai quay cóp thì giáo viên sẽ chủ quan, không trông gắt gao và thế là tôi bắt đầu quay. Tôi có thể “tự hào” khoe với các bạn rằng tôi quay từ năm lớp 8 cho đến khi thi tốt nghiệp đại học mà chưa 1 lần bị bắt. Việc này có bạn Đặng Minh làm chứng. Tôi ngồi cạnh Đặng Minh từ giữa năm lớp 11 và học mấy năm đại học cùng lớp với Đặng Minh.

Không hiểu sao tôi chẳng thể nào học thuộc lòng được các môn như sinh, sử, địa, chính trị.

Tôi học chuyên ngữ những ba năm
Ba năm vật lộn với khó khăn
Chẳng biết do ngu hay trời hại
Môn nào tôi cũng gặp khó khăn
Đến khi kiến thức không còn nữa
Mới biết rằng tôi chỉ cóp quay

nên muốn lên lớp đối với tôi chả có cách nào khác là phải quay. Hồi đầu thô sơ thì tôi đút sách ngăn bàn rồi thò ra thụt vào quay cóp, nhưng cách này rất nguy hiểm, rất dễ bị bắt. Sau đó tôi quay bằng cách khi thày cô chép đề kiểm tra hoặc thi lên bảng, tôi giở sách thật nhanh và xé phần liên quan, sau đó thả xuống nền nhà, lấy chân di đi di lại cốt để cho nó trông bẩn bẩn như rác. Tiếp theo là bắt đầu nhìn xuống nền nhà và chép. Ngày xưa đi học toàn đi dép lê nên việc lật trang bằng chân ko có gì là khó cả. Cách này hơi tốn kém vì sau đó phải mua lại SGK để còn dùng cho các kỳ kiểm tra hoặc thi sau.

Đối với các môn có câu hỏi đề cương, câu hỏi ôn tập, tôi thường làm theo mấy cách sau :

- Chép câu trả lời ra tờ giấy trắng (chỉ chép 1 mặt để tránh hằn lên ko đọc được) bằng bút bi đã hết mực. Khi thi chỉ cần đàng hoàng để lên bàn, nhìn nghiêng là cứ  thế là chép vào bài làm.

- Mua 2 chiếc quạt giấy loại có nan. Nên chọn loại có màu sắc tương  đối đậm, sau đó chép phần trả lời của các câu vào phần giấy giữa các nan theo thứ tự câu hỏi. Ngày trước thi toàn ở nhà UNICEF, không có quạt nên rất nóng, học sinh mang quạt khi thi là chuyện rất bình thường. Nhớ mang 2 chiếc vì đề phòng bị thày cô trông thi mượn để quạt thì đưa chiếc dự phòng ra, kẻo toi.

- Làm phao. Đây là cách quay toàn nhất. Khổ rộng phao nên chỉ 3 - 3,5 cm thôi, sau đó nên gập trước rồi mới chép để tránh có những dòng nằm đúng nếp gập rất khó đọc. Nên tập giở phao bằng ngón tay trái cho thuần thục. Đừng lấy đầu bút tay phải lật phao vì có thể bị thày cô phát hiện. Cách giấu phao như thế nào cũng cần phải trao đổi. Thường thì khi thi có không quá 20 câu hỏi nên đừng buộc tất cả 20 phao này trong 1 bó, rất khó tìm và dễ dính vào nhau. Tôi thường làm theo cách luồn 4 chiếc chun vào 2 cổ chân và 2 bắp tay, sau đó treo theo chiều kim đồng hồ bắt đầu từ cổ chân trái các câu từ 1-5, sau đó treo ở cổ chân phải các câu từ 6-10, bắp tay trái 11-15 và bắp tay phải 15-20. Tôi cũng thường chép lại các câu hỏi ôn tập ra 1 chiếc phao riêng gọi là phao tổng. Khi bắt đầu thi, thày cô sẽ phải chép đề lên bảng, đây là lúc nhốn nháo nhất nên phải tranh thủ giở phao tổng ra và định vị các câu hỏi thi nó là câu thứ mấy và thật nhanh rút các phao thi này cho vào túi. Đừng cho cả vào 1 túi. Nên làm theo thứ tự như câu 1 để túi quần trái, câu 2 để túi quần phải, câu 3 để túi quần sau. Đừng để phao ở túi áo rất dễ bị phát hiện khi thày cô lượn quanh bàn. Thi viết thường chỉ đến 3 câu là cùng. Sau đó thu toàn bộ các phao ko dùng đến cất ngay vào cặp cho an toàn.

Khi thày cô đã chép đề xong và bắt đầu coi thi thì lúc này đừng vội giở phao ra và chép. Khoảng 10 phút đầu trông thi các thày cô thường đang rất xung, rất tinh khi thấy học sinh loáy hoáy. Các bạn cứ để ý mà xem thường quay cóp rất hay bị bắt lúc lục tục giở sách, giở phao trong độ mươi phút đầu thôi. Đừng vội, muốn nhanh thì phải từ từ mà. Lúc này là lúc nên thong thả chép đề xuống bài làm cứ như là mình bắt đầu làm bài. Sau đó lựa tình hình mà giở phao ra và chép thôi, khi chép nên thỉnh thoảng nhìn thẳng vào mặt thày cô ra điều suy nghĩ. Mặt phải tỏ ra hơi ngu ngu ngơ ngơ, đừng mắt la mày lét. Tôi ko hiểu sao chứ khi 2 ánh mắt gặp nhau mà mình lại là người chủ động nhìn thẳng vào thày cô là thày cô thường “lảng” nhìn đi chỗ khác, như vậy mình quay sẽ được an toàn hơn. Khi thày cô lượn đi các bàn và đến bàn mình đừng ngồi ko viết gì, lúc đó cứ viết đại ba lăng nhăng cái gì cũng được sau đó xóa đi sau vì thày cô sẽ nghi mỗi khi xuống chỗ mình thì ko thấy viết gì sau đó vừa mới đi được mấy bước lại thấy viết lia lịa.

Tôi viết ra kinh nghiệm quay cóp của tôi nhưng các bạn đừng phổ biến cho các con nhé vì ở các kỳ thi quan trọng nếu quay cóp mà bị bắt coi như xong. Quay cóp cần phải luyện tập, không thể 1 sớm 1 chiều mà thành được. Quay cóp có khi thích hợp nhất là khi học đại học trong nước.

Chẳng dám chúc thành công, chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho vui thôi.


NĐH (K13A)

Tuesday 29 May 2012

Khi con ham chơi games (2)

Con cái ham chơi games – là phụ huynh chúng ta nghĩ gì ?
(Tâm sự của người bố từng là “game thủ”)


Phần 2: Chân dung cựu game thủ chuyên nghiệp

Game online phát triển mạnh tại VN từ tháng 6/2005 với Võ lâm truyền kỳ (VLTK) , hàng triệu người chơi, hàng trăm nghìn tiệm net mọc ra, chủ tiệm net, công ty quản trị games….ai ai cũng ăn nên làm ra trừ các game thủ bắt đầu trở thành con nghiện, bỏ vợ bỏ con, bỏ học, hàng trăm tỷ đồng trở thành giờ chơi game, đồ ảo, sức khỏe suy mòn vì cày games… Tệ nạn phát sinh. Lúc này game online (qua đó là cả các games đã tồn tại từ trước bị qui cho là Nguyên nhân của mọi vấn đề xã hội, nhất là với con trẻ).

Tháng 7/2005 khi chưa đầy 10 tuổi, con trai mình bắt đầu theo đuôi mấy anh chơi VLTK rất say mê. Là người cha mình quyết tâm tìm hiểu VLTK là gì mà có sức lôi cuốn cả xã hội như vậy và cũng trở thành game thủ như ai từ 9/2005. Hồi đầu còn ra tiệm net chơi cho xôm tụ (lúc nào cũng đầy kín và 99% chơi VLTK đủ mọi lứa tuổi), sau này do con mới 10 tuổi lại còn đang đi làm nên đưa lý do này để “mị dân” và trang bị ADSL tốc độ cao, 4 máy tính tại nhà 2 cha con cùng chơi và mời cả bạn đến nhà chơi….

Sau khi đầu tư xong “cơ sở hạ tầng” là bắt đầu vòng quay của cuộc chơi. Dù luôn tự vấn lương tâm là mình chơi games là để giáo dục con biết kiềm chế/self control, là chơi cho vui/giải trí chứ không “nghiện”, là không ảnh hưởng đến công việc, gia đình và sức khỏe cá nhân, nhưng đến hôm nay có thể nói thật lòng đó chỉ là “lý do biện hộ của các game thủ”.

Cũng thức đến 1-2 h sáng để cày lên cấp (Thứ 7/CN có thể đến 5h sáng), cũng tham gia chiến trường Tống Kim để chiến đấu vì Bang Hội, offline hàng tuần vô bổ để nghe các Bang chủ, Trưởng Lão, Đội trưởng và các thành viên Bang bàn bạc về chiến thuật thi đấu, về các kỹ năng/tuyệt chiêu games và cả những nhân vật/món đồ ẢO được giao dịch với giá cả tỷ đồng VN THẬT, đi liên hoan sau chiến thắng của Bang v.v.. Các thành viên trong Bang thì bất kể thành phần, từ các anh tuổi >50 với địa vị XH cao như phó TGD cty thành viên PetroVN đến các cháu (trong games nó gọi mình = anh) tuổi 18-20. Đa số là sinh viên ĐH từ tỉnh lên thành phố học và các thanh niên tuổi 20-35 làm công việc tự do, buôn bán (có thành viên con đại gia rất giầu, có account trị giá > 1.5 tỷ đồng). Về sau mới thấy tác hại ghê gớm của games khi sinh viên bỏ học, bị đuổi học, sa vào cạm bẫy xấu để có tiền chơi game…

Sáng đến công ty thì mệt nhoài vì cày game khuya quá, lại yêu cầu lắp riêng đường direct line (không qua hệ thống chung của cty) cho sếp chơi game mới ghê chứ (thời gian này mình đã quyết định chuyển ra làm ngoài nên ở lại cty 12 tháng để tiếp tục đào tạo thế hệ kế cận theo cam kết với tập đoàn, không tham gia nhiều vào day-to-day work). Vì là sếp nên ko ai đuổi việc.

Về nhà thì 2 cha con lao đầu vào máy tính, ăn uống sinh hoạt lung tung và tất nhiên là bà xã rất, rất buồn phiền. Mặc dù luôn lấy quyền làm bố để bắt con đi ngủ lúc 11h để sáng hôm sau đi học nhưng bản thân thì lại ko gương mẫu… Dù kiếm khá nhiều tiền THẬT từ game ẢO nhưng cũng bỏ ra không ít tiền để đầu tư ẢO…, tuy không đến mức “ngu nặng” để bỏ ra hàng trăm triệu mua đồ ảo nhưng cũng bỏ cả hàng chục triệu mua đồ/vũ khí ảo làm quà tặng sinh nhật cho con trai.

Cứ thế cuộc sống trôi qua lẫn lộn lung tung giữa thế giới ảo và thật cho đến cuối năm 2007 (khoảng 2 năm chơi tích cực), bắt đầu thấy…chán và chơi cầm chừng. Đến giờ này thì cậu con trai 12 tuổi gần như cũng buông đao gác kiếm với Võ Lâm Truyền Kỳ để chinh chiến ở game mới (Thế Giới Hoàn Mỹ, Thiên Long Bát Bộ v.v.), chỉ còn lại một mình và sau nhiều tháng dặt dẹo với games, ngày chơi 2-3 tiếng, không thức đêm hôm nữa, quãng 2008 tôi chính thức “giã từ vũ khí” do bận công việc + chán game + cảm thấy không ổn về sức khỏe & gia đình. Sau đó khoảng 1 năm có giở ra chơi lại theo kiểu phong trào, lần này hoàn toàn chơi giải trí, tuy nhiên cũng chỉ được vài tháng thì tổng kết tài sản bán được khoảng 5 triệu và đem accounts đi cho. Kết thúc khoảng 3 năm chơi games như 1 game thủ chuyên nghiệp (with intervals).

Cũng từ đó bố thì không chơi game luôn, con thì sau qua trải qua những thử nghiệm xương máu cũng quyết định games là trò chơi, không có người đồng hành (là bố) nên cũng dần dần bỏ games online. Thay vào đó là tiếp tục chơi offline bằng Playstation, X-Box cho đến ngày nay. Hiện nay tôi không chơi game nữa còn con trai (tuổi 17) thì ngày nào cũng chơi (như đã tâm sự với các bạn), tuy nhiên không có cảnh thức đêm hôm cày game, ngày chơi khoảng 2 – 3 tiếng trước và sau khi học bài. Khi cần thì vẫn bỏ games đi du lịch mà không quá nhớ nhung (vì có Ipad, Kindle Fire mang theo), tóm lại lúc này games với con đã thực sự là một trong nhiều thú giải trí bên cạnh thể thao (bơi, bóng rổ, đá cầu), xem đá bóng cùng bố mỗi tối thứ 7 & CN, xem phim, đọc sách…Games đã không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, xã hội, sức khỏe, học hành vì con trai đã self control đối với games.

Được và mất

Trên phương diện sức khỏe: việc đam mê game, sinh hoạt không điều độ đã làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôi trong giai đoạn 2006-2007, ốm vặt liên tục. Đến giờ nghĩ lại mới thấy mình “ngu” vì không tự kiểm soát được. Thành thực khuyên các bạn hoặc có con đang chơi games giống bố con tôi hãy xem lại mình mà cố gắng có điều chỉnh hợp lý kẻo muộn. MẤT.

Trên phương diện gia đình: sợi dây kết nối chung trong gia đình bị games cắt đứt, 2 bố con ít khi chơi với mẹ, cũng ko còn nhiều thời gian cả nhà ăn bữa cơm đàng hoàng, nói chuyện XH ngoài chuyện games. MẤT

Sợi dây kết nối 2 bố con khăng khít hơn, hiểu nhau hơn và thực sự qua games đã trở thành bạn tốt của nhau. ĐƯỢC.

Trên phương diện tài chính: thu nhập của gia đình không bị ảnh hưởng vì vẫn có thu nhập bình thường từ công việc và đầu tư. Riêng trong năm 2006, kiếm được khoảng > 30 triệu VND từ games ảo và chi ra khoảng 20 Triệu, tuy nhiên chi phí đầu tư máy móc, ADSL .v.v tính ra là vẫn lỗ. MẤT

Trên phương diện giáo dục con cái: Game mang lại nhiều kỹ năng cho con trẻ kể cả IT và học tiếng Anh. Bằng games đã dậy được con trai từ khi 10 tuổi phân biệt được thế nào là “quân tử - tiểu nhân – lừa lọc – tình bạn – niềm tin –quyết tâm chiến thắng – chiến thuật  v.v.”
Khi mới chơi bữa đó về nhà nghe cậu ta khóc vì quá tin 1 thằng trong games đến nỗi đưa luôn account cho nó + password, sau đó bị lột sạch đồ, vũ khí, tiền ảo…bài học đứa trẻ nhận được là trong xã hội có người tốt người xấu, cần tỉnh táo & sáng suốt chọn bạn mà chơi. Thêm bài học nữa là kinh doanh trên games, lúc nào mua vào, mua gì, đầu cơ, lúc nào bán ra thu lời v.v. Theo tôi nếu chỉ ngồi nói chưa chắc đưa con 10 tuổi có thể tiếp thu được được những bài học “trường đời’ như trên mà qua hành xử games đã có thể giáo dục giới tính con trẻ. ĐƯỢC (tuy nhiên có thể giáo dục theo phương pháp khác tốt hơn)

Chia sẻ quan điểm

Câu chuyện trên là thật 100% vì đó là chuyện của tôi và con trai. Tùy các bạn cân nhắc xem nên “xử lý” vấn đề chơi game của con như thế nào. Nếu được làm lại thì tôi vẫn lựa chọn tham gia vào chơi cùng con trai mình qua đó có điều kiện gần gũi, hiểu con và giáo dục con tốt hơn, có chăng điều không nên lặp lại là trở thành game thủ chuyên nghiệp trong gần 3 năm để phải “trả giá” khi không hoàn toàn kiểm soát được games, được mình (điều mà các bạn gọi tôi là “chuột bạch” làm thí nghiệm để dạy con).

Chắc chắn các bạn sẽ có nhiều phương pháp tốt hơn để giáo dục con cái trong chuyện chơi games, tuy nhiên, cũng mong các ban cân nhắc ý kiến của tôi về chơi Games ngày nay: a/ là thực tế hiển nhiên trong quá trình phát triển của xã hội và CNTT, b/ chấp nhận nó và cố gắng hạn chế tiêu cực của nó và hướng đên các yếu tố tích cực (nếu có), c/ hoặc chí ít cũng coi nó GAMES – Trò chơi giải trí.

Nếu làm tốt được điều này chắc chẳng còn phải lo lắng nhiều về chuyện con chơi games hay không.

Chúc các bạn thành công.

TNH
Tháng 4/2012


Saturday 26 May 2012

Khi con ham chơi games


Con cái ham chơi games – là phụ huynh chúng ta nghĩ gì ?
(Tâm sự của người bố từng là “game thủ”)


Phần 1: Nhận thức về games.
Chào các bạn,

Nếu tra cụm từ “con cái mê games hơn học – phụ huynh xử lý ra sao” trên google chắc sẽ có rất nhiều “bài học, lời khuyên” mang tính lý thuyết. Tôi nghĩ sẽ có sức thuyết phục hơn nếu chia sẻ “kinh nghiệm thực tế” cho diễn đàn của chúng ta.

Bài này có lẽ phù hợp hơn với các phụ huynh có con trai chơi games (vì con gái thường có có đam mê khác), tuy nhiên, vẫn có cái chung là sự thay đổi và nhận thức về hobby của các thế hệ cũng đã thay đổi đáng kể qua các thế hệ.
Ta bắt đầu nhé!

Nhận thức về games

Bây giờ trẻ con chơi game cũng tương tự thế hệ bố mẹ chúng nó quên ăn, quên ngủ, quên/trốn học… để chơi bi, chơi khăng, đá cầu, đá bóng, ô ăn quan, chơi chuyền v.v. ở thời đại chưa có IT games. Có chăng có thể “biện minh” việc ham chơi thế hệ trước là “lành mạnh, là thể thao, vận động” còn games hôm nay là “bạo lực, không vận động, ngồi lỳ cả ngày v.v.”. Nếu trẻ ngày nay đi bơi, đá bóng, tóm lại là chơi những “games vận động” như cha mẹ chúng nó từng bị ông bà mắng trước đây thì chúng ta lại tự hào đi kể với bạn bè là con mình chịu khó rèn luyện thể chất, sức khỏe. Có lẽ chẳng ai khoe con mình chơi games trừ khi nó đoạt giải vô địch châu lục hay thế giới trò chơi Warcraft hay MU chẳng hạn.
Vậy đây liên quan đến nhận thức về games qua các thời đại.

Nếu đã xác định games hôm nay là điều không thể “tránh khỏi” với con trẻ nếu ko muốn bị các bạn “chọc quê” tại trường học, bị cô lập, có thể dẫn đến tự kỷ do “ko biết những điều mà cả lớp biết và làm” và có nhìn nhận games theo hướng khách quan hơn để có kiểm soát, chúng ta có thể thấy các yếu tố “tích cực” mà games có thể giúp các ông bố bà mẹ (quá bận rộn kiếm ăn) mang lại những bài học cho cuộc sống: giao tiếp, đối nhân xử thế, lừa lọc, không quân tử, nhanh tay nhanh mắt phản xạ v.v. và cả các bài học đầu tiên về tài chính, thương mại … thông qua các giao dịch trong games.

Tôi thuộc nhóm phụ huynh chấp nhận games: a/ là thực tế hiển nhiên trong quá trình phát triển của xã hội và CNTT, b/ chấp nhận nó và cố gắng hạn chế tiêu cực của nó và hướng đên các yếu tố tích cực (nếu có), c/ hoặc chí ít cũng coi nó GAMES – là trò chơi giải trí.

Nhìn lại mình để nghĩ đến việc con chơi games - đây cũng nguyên tắc mình định chia sẻ trong chuyên đề: Nói chuyên với con cái tuổi teen – dễ hay khó? Tức là luôn đặt ra câu hỏi và cố gắng nhớ lại “lúc bằng tuổi con bây giờ trước đây mình nghĩ gì và xử lý ra sao” để cố gắng hiểu con.

Khi đi học, tôi thuộc diện ham chơi nên trò nào cũng biết. Đi học ĐH ở Nga khi có điều kiện đã làm quen với công nghệ cao và với IT games thì có thể kể đến Nintendo từ những năm 80 thế kỷ trước, thâu đêm suốt sáng Bắn xe tăng, chơi Tetris (xếp gạch) hay Mario cứu công chúa. Học xong ĐH thì có giai đoạn ko chơi games , kể cả games trên PC, sau này chơi game khi rảnh rỗi và giải trí… cho đến khi con trai bắt đầu chơi games.

Cũng như bao bố mẹ, chính vợ chồng tôi là người “đưa đẩy” con mình đến với games từ khi con còn nhỏ qua việc mua các đĩa trò chơi để con “rèn luyện trí thông minh” trên PC (chắc bạn nào cũng đã từng làm vậy). Có hôm phải lừa mãi cậu nhóc 3-4 tuổi mới chịu ngồi chơi. Sau đó là các games trên PC, mua Playstation, Wii v.v. để cùng con chơi offline, hò hét ầm ĩ ai cũng vui.

Xin xem tiếp

TNH
04.2012

Tuesday 22 May 2012

Ngôi nhà của chúng ta


Chào các bạn,


Blog này là ngôi nhà của tập thể cựu học sinh K13 - Phổ thông trung học Chuyên Ngoại ngữ - thuộc Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội - nay là Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Đây là nơi chúng ta giao lưu vui vẻ, lưu lại những khoảnh khắc khó quên của một thời đi học vô tư, một thời thanh niên sôi nổi, những giây phút ấm lòng của tình bạn. Đây cũng là nơi chúng ta chia sẻ tâm sự về cuộc sống, về tình yêu và hạnh phúc, về tình bạn cao quý, về giáo dục và hướng nghiệp cho con cái, về ... không thể kể hết được.

Mời bạn ghé thăm nhà. Bạn có thể để lại những dòng nhận xét, những bình luận về mọi chủ đề trong blog. Bạn cũng có thể viết bài và gửi vào địa chỉ k13cnn@gmail.com, để Ban biên tập đăng lên đây.

Xin bạn lưu ý khi bình luận hoặc gửi bài:
- Đề nghị bạn viết bằng tiếng Việt có dấu. Ngoại lệ: những bạn ở nước ngoài, có khó khăn khi gõ tiếng Việt có dấu;
- Tôn trọng người đọc, không dùng từ ngữ dung tục, không đưa những nhận xét có tính xúc phạm cá nhân;
- Không viết những điều có tính bài xích tôn giáo hay quá khích về chính trị.

Chúc các bạn có những giây phút vui vẻ, thoải mái khi thăm ngôi nhà của chúng ta, K13 Chuyên Ngữ thân thương!

BBT



Sunday 20 May 2012

K13-CNN: Gặp mặt 18.05.2012

(Phan Linh Cẩm)

Chiều hôm qua khi đưa con đi học thêm và chạy luôn đến Nhà hàng Sắc Biển, sớm 15' thì đã thấy Nhung ở đó, vì Nhung đi thẳng từ cơ quan đến, không về nhà để ông lớn, ông bé khỏi đòi theo. Một lúc sau Hoan xuất hiện, rồi đến các bạn khác.
Những người đúng giờ nhất!

Quỳnh ra tay chỉ đạo xếp chỗ ngồi, cốt để "chiếu tướng" Hải

Câu chuyện bắt đầu nở như ngô rang

Vinh tuy đã đến nhà hàng K.Lan mấy lần nhưng vẫn phải hỏi lại mình số nhà. Ấy thế mà khi Tuấn, người đã phải bỏ lỡ buổi gặp sau 30 năm lần trước, hỏi đường, Vinh đã chỉ bằng một giọng rất quan chức (theo nhận xét của HAT), còn mình thì thấy giọng Vinh luôn có vẻ trịnh trọng như thế.
Tay trên tay dưới, hay là tay trước tay sau!
Đối thoại cùng doanh nghiệp
Khốt đến cùng Vượng, lần này lại một cặp đôi hoàn hảo, vì cả hai cùng mặc sơ mi trắng, làm ai cũng nhớ đến chi tiết hôm lễ kỷ niệm, Vượng đã mua vải đỏ, để may đồ cả ngoài lẫn trong ... nội y (theo lời Khốt), nhưng vẫn nhớ để lại cho Khốt một dải vải làm cà vạt. Các bạn nữ quấn quít quanh Khốt làm Vinh ghen tỵ, vì tuy Khốt bụng to thế, nhưng với tài thơ và sự nhiệt tình nên vẫn được bao người, trong đó có mình hâm mộ.

Khi Khốt mở lời, ai cũng phải cười
Hào hứng!

Chai rượu của Hoan được khui ra, do Khốt bê, và mình vít cần để rót. Bù lại Hoan được trao nhiệm vụ đứng lên ghế, để điều chỉnh bằng tay sự lên xuống của cái ...  quạt gió máy điều hoà, cho nồi lẩu bằng bếp cồn (lại có vần chúng ta đã đưa vào email).

Hoan ơi chai của ông to thế!

Bích Vân cũng chỉ muốn nghe những bài lãng mạn như Phượng Tím của Khốt, nhưng giữa ồn ào phố chợ, Khốt đành hẹn Vân lần sau. Vân hôm nay thật trẻ trung, duyên dáng, với mái tóc cắt tém từ hồi chuyên ngữ, nên trông không thay đổi gì. Vân lại còn trông rất sexy của phụ nữ tuổi U50 mới chết chứ.


Vân Hồng trên diễn đàn thì tung hoành ngang dọc là vậy, mà ngoài đời lại rất dịu dàng, duyên dáng.

Cười xả láng nhé!
Nhi cũng vậy, sau khi khuấy động phong trào với vai trò trong ban tổ chức, Nhi lặng lẽ lùi lại sau cho các bạn thể hiện. Nhi bắt Thái Hà ở nhà để trông con, và nói một cách rất chủ quan là Thái Hà chỉ quen chém gió trong giới đàn ông thôi. Sau khi nghe mọi người nhắc lại chuyện con rận trên râu ông nhạc trưởng, Nhi mới thốt lên, hoá ra Thái Hà cạo trọc để rận chẳng còn chỗ đậu.

Thái Hà có đoán được Nhi đang kể chuyện gì không?

Duy Hải hiện ra trong sự ngỡ ngàng của mấy bạn lớp B. Mình cứ trách Hoan chỉnh ảnh quá mạnh tay, vì trong tác phẩm của Hoan, trông Hải rất hùng dũng, đẹp trai, mà bên ngoài lại rụt rè, nhút nhát. Hoá ra Hoan đúng là bị oan, như vần oan có trong tên, Hoan đã chộp được nét xuất thần của Hải, cũng như không thể không nhắc tới tay nghề chụp ảnh tuyệt cao của Hoan, chứ ảnh chẳng chỉnh sửa gì cả. Hải như thế vì bị Quỳnh bắt ngồi đối diện, mà Quỳnh lại bắt nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên, làm Hải mất hết cả tinh thần.
Hôm nay Hải có vẻ kiệm lời, hay là mấy ngày đọ thơ nên mệt

Mình hỏi Hoan là Hải làm nghề gì mà giỏi thơ phú đến vậy, không biết có phải dậy ở khoa văn như Phong không, thì Hoan bảo tuy tuần nào cũng làm vài trận tennis với Hải nhưng chẳng rõ Hải làm gì. Thế mới thấy những người sáng tác như Hoan thường sống trên mây thế nào. Khốt bảo hôm nay tụ tập chỉ vì mình quá mê Hải, nên kéo mọi người theo để làm nền. Nhờ thế nên mình đã khai thác là Hải là kiến trúc sư và rất có hiếu khi nâng giấc mẹ ốm. Có phải từ thiên nga chỉ các bạn nữ cũng xuất phát từ Hải khi Hải nhắc đến hai con gái không nhỉ?


Quỳnh vẫn thế, đúng như miêu tả của Hoan là to gấp đôi, và ồn gấp ba. Mình ngu ngơ vẫn đinh ninh là Hoan nhắc đến tính tình ồn ào, nhiệt huyết của Quỳnh, hoá ra Hoan chơi chữ vần ồn. Khai sì im lặng và chỉ lắc đầu, nhìn mình khi bảo Cẩm ơi ngây thơ quá.

Cười chưa đủ, phải vỗ tay nữa mới đã!

Khốt bắt Khai sì đến buổi tụ tập để lấy tài liệu cho con, nên bị các bạn công kích là tuy làm trong lĩnh vực IT, mà chẳng biết về email, blog. Cũng giống như Đặng Minh quan chức, không biết sử dụng email. Quỳnh cũng tra Vinh xem chắc chắn các email Vinh gửi không phải có sự đóng góp của thư ký.
 
Phương đến muộn vì mãi mới xong việc cơ quan. Nhìn Phương mình hạc, xương mai, trắng trẻo, xinh đẹp hẳn lên, làm mình mới thấy câu anh Thép chồng Phương cứ ca ngợi, chỉ muốn vợ giống vợ Hoan đã có tác dụng. Hoan ơi, mình muốn gặp vợ Hoan quá, mà vợ Hoan cứ nhè lúc này để đi công tác thôi.

Nhung thì thâm trầm ít nói, hay cười tủm tỉm khi nghe các bạn chém gió, thỉnh thoảng mới tung ra một câu, nhưng câu nào cũng sắc sảo chết người.



Cả hội lại ngồi nói lại những chuyện đã trao đổi trong email làm ai cũng cười đau hết cả ruột, nước mắt dàn dụa. Hoá ra lần này cũng chỉ những người tích cực trên diễn đàn mới tới. Nhân viên nhà hàng của Kim Lan cũng phát sợ vì sự to mồm của bạn bà chủ.




Hoan rất chu đáo: khi lần trước đi chơi, con của Minh Hiền nói thích ăn lương khô của Trung quốc, nên lần này Hoan liền kiếm ngay một thùng sắt lương khô mang tới. Để nhớ lại thời kỳ bao cấp, ai cũng lấy một thanh lương khô mang về. Trông Quỳnh trong ảnh, tay cầm thùng lương khô một cách hùng hồn như vậy, nhưng thực ra là lấy chia cho các bạn.

Con mình đi học thêm về, ghé qua, và thốt lên, các cô, chú nói chuyện gì, con không hiểu, làm chú Khốt phải nói, nếu một đứa lớp 2 như con đã hiểu, thì con phải quá bậy, hay các cô chú đã bị nhũn não vì tuổi già, nên toàn nói ngọng luyên thuyên. Kim Lan do vậy phải để con gái đã học lớp 6, lại có tác phong rất người lớn, ở bên ngoài bàn tiệc, cho cháu khỏi bị đầu độc.

Công cuộc miêu tả đến đây tạm dừng, mình có bỏ sót điều gì, mọi người nhớ bổ sung nhé.

Cẩm


--------------------------



(Phạm Duy Hải)

Chào các bạn!
Tối hôm qua thật vui, tôi cười chảy hết nước mắt.
Phải nói rượu ngon, thức ăn ngon, ảnh ngon, và sự vui trong các câu chuyện trao đổi cũng rất ngon.
Giá mà hôm qua nhiều bạn tham gia hơn nữa chắc phá tan cái nhà hàng đồ sộ của Kim Lan mất!
May mà hôm qua tôi biết thân biết phận, ngoan ngoãn nên Quỳnh thương. Cũng đi được về được, không đến nỗi phải nhờ Kim Lan tìm cho Nạng hay Cáng.
Cẩm vẫn phúc hậu giống bà bán bún chả đầu phố nhà tôi,( nói là bà nhưng thực ra mới ngoài 20 tuổi, và mỗi khi tôi vào ăn toàn gọi tôi là chú)...nhưng đẹp hơn nhiều, hiền và thật thà hơn, cái tài viết bài nhanh và hay thì còn lâu cái bà bán bún chả đó mới bằng. Cẩm làm tôi tủi thân khi mang cậu con trai (trộm vía: cứ như mấy đứa bé quảng cáo sữa trên TV).
Một mình má, một nồi to

Hùng khốt khi cần thì chẳng thấy đâu, bỏ bạn bè lúc khó khăn, nhưng thấy ăn đến rất sớm, nấp trên ô tô,chờ mọi người đến đủ mớí vào. Ôm chai rượu của Hoan như khoác vai thằng bạn vì tôi thấy Hùng khốt và chai rượu cũng không khác nhau là mấy về kích cỡ. Rõ ràng Hùng đứng mà tôi cứ ngỡ Hùng ngồi...
Vinh làm tôi ấn tượng với cái đầu bóng mượt, hất ngược ra đằng sau, đen nhánh và tôi tin rằng có gió bão cấp 12 cũng đừng hòng làm hỏng nếp tóc trên đầu Vinh, ngôn ngữ khẩu khí làm tôi chột tưởng mình đang ngồi cạnh sếp, chẳng may lỡ lời thì thôi xong.
 
Quang Hải đến sau 1 chút... nhưng hình như không nhận ra tôi...
Hồ Tuấn vẫn không quên cái chất hàn lâm sẵn có,đáng lẽ ngày xưa Hồ Tuấn phải học bách khoa mới đúng... Ai dám nói Hồ Tuấn có thể làm thơ hay như thế. Có thể do chất đại bàng luôn muốn giúp bạn lúc nguy nan mà Hồ Tuấn không đằng đừng mà xông vào chăng?

Hoan hơn đứt mọi người cái khoản nhanh nhẹn, luôn luôn quan tâm, chăm sóc đến các bạn, được tiếng là hoạt ngôn mà hôm qua phải nhường sự lợi khẩu cho Hùng khốt! vì Hùng khốt cứ có Vượng là như lên đồng trong cái sự phát ngôn làm mọi người cười nghiêng cười ngả ...

Nhung ăn rất ít vì thỉnh thoảng lại liếc Hồ Tuấn tủm tỉm...
Phương đến sau Quang Hải... tôi lại cứ tưởng 1 siêu linh tinh..(hề hề nhầm:siêu minh tinh)  đi lạc vào. Ôi Phương ơi, sao thời gian chẳng có tác dụng gì với ngoại hình của bạn thế.

Nhi bước vào trước Phương một chút. Nhìn Nhi tôi nhận thấy Vinh cứ tặc lưỡi liên tục, nói nhiều hơn, tay cũng vung nhiều hơn..  Chà chà... tôi thấy có lẽ trong anh em chuyên ngữ khóa 13, Thái Hà là người son nhất.

Vượng mới đúng là mình hạc xương mai như Cẩm nói. Trông Vượng tôi thấy vui như khi tết về mà sắm được cây đào thế quí hiếm. Đi với Quỳnh làm tôi nhớ đến 2 nhân vật khá nổi tiếng trong chuyện tranh của bào Thiếu niên tiền phong ngày xưa: đó là Bút thép và Bóng Nhựa. Vượng ơi, Vượng như người nhà Trời được phái xuống đây để dạy cho đàn ông chúng tớ biết thế nào là trẻ trung, xinh đẹp.


Bích Vân: Cẩm nhận xét vẫn sexy là rất tinh... tôi cũng thấy và nghĩ thế. Mỗi tội đang khi mọi người bàn về thơ ồn ào lại cứ nhìn ra cửa sổ để ngẫm về bài Phượng tím của Hùng khốt. Thực tế ai mà biết được thất sự những gì đang diễn ra trong đầu Bích Vân.


Kim Lan tuy ngồi với chúng tôi nhưng vẫn không rời ra được cái nét oai oai của bà chủ quán, cộng thêm ánh mắt len lén của nhân viên mà cả bọn trong đó có tôi thấy mình được lây cái sự oai ra phết.

Hồng vốn là người tôi hâm mộ từ lâu, 30 năm nay mới được thỏa lòng khi được chụp ảnh chung với Hồng lúc chia tay.

Người mà tôi muốn kể dài nhất là Quỳnh nhưng tôi không dám. Vì Quỳnh làm tôi liên tưởng đến các chị mậu dịch viên bách hóa, thực phẩm ngày xưa.. Nhỡ chẳng may để các chị phật lòng là coi như... đói! Nhưng ở Quỳnh toát lên cái thần  lạ lắm, Tôi thấy Quỳnh rất đúng với câu thơ miêu tả nhân vật của cụ Nguyễn Du:... Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao? Hôm nào chắc phải nhờ Hoan tìm hiểu giúp tôi thực đơn hàng ngày của Quỳnh mới được...

Tạm biệt, hẹn gặp lại!
Thấy Cẩm, Hùng khốt có bài phóng sự quá hay, tôi cũng ngứa ngáy làm bài cảm nhận của riêng mình trong buổi liên hoan, mong các bạn bỏ qua nếu thấy không vừa lòng với suy nghĩ hết sức chủ quan của tôi.. Nhưng tôi yêu quí ai thì mới viết về người ấy, đùa với người ấy.
Hết sức chân thành!
Best regard!
Phạm Duy Hải


(Ảnh trong bài: Hoan)

Tuesday 8 May 2012

Hà Giang vẫy gọi

Đỗ Mạnh Hùng K13B

Vốn là người thích du lịch và khám phá, lần này cả nhà tôi quyết định dành 3 ngày nghỉ để lên thăm Hà Giang, một địa danh tuy quen thuộc qua lịch sử Việt nam, tuy chỉ cách Hà nội có 320 km về phía Bắc, và tuy cũng nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh thu hút du khách như Sapa, nhưng… gia đình tôi chưa tới lần nào.

Ngày thứ nhất: Xuất phát từ Hà nội khoảng 13h đi theo đường 32 qua cầu Trung Hà, đi Phú Thọ qua Việt Trì lên gần Tuyên Quang, đi về Hà Giang, đường đẹp, xe tốt khoảng hơn 18h là tới nơi. Nghỉ đêm lại ở thị xã Hà Giang khá tốt và rẻ (ví dụ trong ngày lễ mà khu Huy Hoàn, Hoàng Anh phường Nguyễn Trãi giá chỉ 250-350 nghìn, hoặc Trường Xuân Resort tại km số 5 sang trọng nhất ở đây cũng chỉ có 350-450 nghìn, so với Hạ Long gần 1 triệu/đêm thì giá ở đây quả là mềm). Tại Trường Xuân có tắm thuốc người Dao 40 nghìn, tắm hơi 60 nghìn và tẩm quất (hết sức) lành mạnh 80 nghìn.

Khu Trường Xuân Resort xứng đáng với tên gọi của nó, gồm nhiều căn nhà nhỏ với đầy đủ tiện nghi và kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hiện đại và cổ kính bằng mái lá phủ rợp mát tâm hồn chúng tôi, những người đang trốn cái nóng nung, cái ồn ào, cái bụi bặm của Hà nội.


Và bờ tường xung quanh resort do người H'Mông xếp đá nghệ thuật bằng những viên đá nhỏ vuông vức và vững chãi, thật đẹp mắt, thật tự nhiên, không dùng xi măng hay vật liệu gắn kết nào khác. 


Nếu lấy các phòng 101-103, 301-303 khi tỉnh dậy bạn sẽ nghe tiếng nước suối róc rách, nhìn qua cửa sổ phía sau nhà sẽ phải ngẩn ngơ vì nước trong chảy xiết trên những mảng đá cuội, gần là vài cây to buông lá, xa là dãy núi trầm huyền.....chỉ có thể thốt lên" sơn thủy hữu tình". Mới hiểu vì sao khi xưa có người bỏ công danh triều đình về quê câu cá.


Bạn có thể ăn tối ở Phố ẩm thực (gần tỉnh ủy) nhà hàng Dân Tộc hay quán Sông Núi gần Trường Xuân. Ăn ở đây rất rẻ chỉ 110k-150 nghìn/ bữa, có thể ăn gà, dê, cá ngạnh (trê hoặc trình), rau tầm bóp, muống xào. Tối có thể thăm đại công trường...để hoang do bí thư tỉnh ủy vẽ ra. Tối nên ăn cháo ấu tẩu ở quán cô Hương đối diện điện lực Hà Giang (nó hơi đắng nhưng rất tốt cho xương khớp***).

Ngày thứ hai: Từ 5h sáng đã xác định đi thật nhiều, tiếp lên phía bắc. Từ thị xã Hà Giang tới Quản Bạ, Yên Minh ngang qua những cái tên thật hay và lạ: Cán Tỷ, Vần Chải,  Lũng Thầu, Lũng Cẩm, Sảng Tủng, Táo Xà Phìn, Sảng Thủng, Sính Lủng. Toàn đá là đá, nhìn ngút tầm mắt cũng chỉ có đá với một màu xám đến đặc trưng, như từ trên trời thả xuống trùng điệp


Hà Giang là nơi con sông Lô nổi tiếng trong lịch sử chống Pháp bắt nguồn, sau đó nó chảy qua Tuyên Quang, Phú Thọ, nơi nhạc sỹ Văn Cao đã viết Trường Ca Sông Lô. Nơi đầu nguồn con sông thật hiền hòa, thật nhỏ vì phải len lỏi qua hai dãy núi cao. Đây đó, chúng ta gặp những chiếc cầu treo nho nhỏ bắc qua sông.



Tỉnh Hà Giang được tính là một trong những tỉnh nghèo nhất đất nước vì không có đủ đất canh tác, nhiều nơi ngô trồng chen với đá.


 Nhiều nơi cũng có những thửa ruộng bậc thang, nhưng thật hiếm hoi


Đến Hà Giang dĩ nhiên bạn không thể bỏ qua khu di tích nhà Vương, tức là ông vua người H’Mông tên Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn. Tòa lâu đài của ông bao gồm 6 tòa nhà nằm dài và 4 tòa nhà nằm ngang tọa lạc trên một diện tích đất rộng khoảng 1,120 mét vuông, với tổng số 64 phòng ốc và được bao quanh bởi gần 3km đá xếp dày nửa mét cao gần một mét rất nguy nga và hoành tráng.


Ông vua Vương Chính Đức (được chính thức công nhận năm 1900) có 3 vợ và buồng của các bà gần nhau, không biết lúc xưa làm sao để Vương khỏi nhầm, còn nay thì trên cửa buồng có ghi rõ ràng ví dụ “Phòng ở của vợ ba Vương Chính Đức”.


Hà Giang cũng nổi tiếng bởi Cao nguyên Đồng Văn, nơi đã được UNESCO công nhận là một trong 77 vùng địa chất tự nhiên đẹp nhất thế giới. Cổng trời Tà Phìn, cột cờ Lũng Cú… những địa danh dù khó đọc nhưng nếu đã đến một lần bạn sẽ nhớ mãi. Khi chúng tôi lên đến cột cờ Lũng Cú đã là tầm trưa, nghỉ và ăn trưa ở chân cột cờ, ăn ở đây khá đắt vì việc vận chuyển lương thực tới đây trở lên khó khăn, thế là đã đi gần 450 km. Nước rất hiếm.

Cờ Tổ Quốc tung bay trên Lũng Cú


Về quá Đồng Văn thì ăn uống ngon hơn, ăn ở hai quán gần chợ khoảng 150 nghìn/ bữa. Đã tới đây thì bạn đừng quên ăn gà đen của dân tộc H’Mông rất ngon và lạ miệng, cá suối cũng là món đặc sắc với vị tươi và mát. Ở thì tại khách sạn Cao Nguyên Đá ngày lễ cũng chỉ 250k-350k, buổi chiều đi dạo tại phố chợ là nơi có dãy phố cũ như Hội An, Tường Đất Trình, thật cũ kỹ. Khu phố văn hóa này do người dân bảo nhau tự gìn giữ nếp nhà có từ hơn 200 năm. Tối đến cafe phố cổ và dạo bước lang thang...nhưng nên ngủ sớm để mai vào chợ Đồng Văn.


Ngày thứ ba: Đi chợ Đồng Văn, được mệnh danh là nơi “Văn hóa gặp gỡ Phong tục”. Cái đẹp của chợ Đồng Văn là tất cả những nét đặc trưng, các màu sắc nổi trội của các dân tộc H’Mông, Tày, Dao, Nùng… đều được phô bày nơi đây.


Thật tiếc là chúng tôi không đến đúng ngày 27 âm lịch để đi thăm chợ tình Khâu Vai nổi tiếng của huyện Mèo Vạc, nhưng không sao, bù lại chợ Đồng Văn cũng làm trái tim chúng tôi xao động với những nụ cười của các cô gái, vẻ thân thiện của các em bé và quang cảnh tấp nập từ sáng sớm bán vải,  rượu, ngựa, bò,… sửa chữa từ máy móc thô sơ đến điện thoại cầm tay … nơi đây.




Mặt trời đã bắt đầu ló lên làm ửng hồng đôi má thiếu nữ vùng cao, chúng tôi phải đi rồi vì còn nhiều nơi quá, tiếc rẻ chia tay cùng chợ Đồng Văn. Lên Mã Pì Lèng chụp ảnh sông Nho Quế khi mặt trời lên. Gặp các bé thơ của Hà Giang, cũng ngây thơ, cũng dễ thương như những đứa trẻ bên Tây Bắc trên blog của HAT, cũng ăn mặc rách, nhếch nhác, rất bé do thiếu ăn, cũng đã biết tranh nhau ... không thích kẹo vì …thích xin tiền cơ. Thật đáng thương cho các cháu bị bắt ra đường kiếm tiền quá sớm, nhưng người dân ở đây nói rằng nếu bạn cho tiền, bố mẹ nó sẽ bắt đi xin, và không cho đi học nữa. Cho nên nếu có hảo tâm chúng ta nhờ các blogger HAT, Sống Thật Chậm … chuyển áo quần, tiền đến tận trường chứ không thể cho dọc đường như thế này được.



Đi lên Mèo Vạc và vào chợ chụp vội thêm ít ảnh, nếu bạn muốn khép lại chuyến đi có thể qua Bảo Lâm, Cao Bằng, chạy thẳng về Hà nội. Còn thư thả thêm 1 ngày nữa bạn có thể đi về hướng Mậu Duệ, Lũng Hồ,  qua lại Quản Bạ hoặc Minh Ngọc với sông Gấm như hai cạnh của hình thoi vòng vèo.

Trở lại thị xã Hà giang nhận khách sạn và sáng hôm sau thư thả ra về khoảng 6 tiếng sau sẽ có mặt ở Hà Nội nếu không qua  làng văn hóa du lịch Bản Khiêm (Quang Minh) hoặc khu du di tích lịch sử Trọng Con gần cầu Thác Vệ, hoặc qua Thanh Thủy tắm nước nóng cho đỡ mệt mỏi (gần cầu Trung Hà). Tới Hà Giang rồi, một phần tâm hồn bạn sẽ ở lại đó, đúng như câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta tới, đất là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.


Đỗ Mạnh Hùng
Hà nội, tháng 5 năm 2012

Gửi các bạn thêm vài bức ảnh dễ thương


Bà cháu đi chợ sớm


 Em bé vùng cao


 Tình bạn trên cao nguyên đá


Núi đôi


*** Cháo ấu tẩu chỉ bổ xương cốt khi được chế biến đúng cách, rượu ngâm ấu tẩu xoa bóp khi chấn thương rất tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận khi dùng đường uống vì có thể gây ngộ độc.

Biên soạn: Phạm Phương Lan