Pages

Sunday 18 December 2011

CHIẾC HỘP BÍ MẬT (Đỗ Mạnh Hùng)


(Đỗ Mạnh Hùng - K13B - Chuyên ngữ SP)

       Kính tặng các Thầy cô giáo và các bạn K13 chuyên ngữ
       Phỏng theo: tản văn "Chuyên ngữ - một thời để nhớ" của Phan Linh Cẩm K13B

Chắc mọi người không biết
Trên tủ nhà mình có chiếc hộp oai phong
Chiếc hộp cũ niêm phong
Hiên ngang loang màu năm tháng
Nhìn chiếc hộp vợ, con và nhiều người võ đoán
Rất muốn mở ra xem sau những tháng năm dài….
 
Một ngày mưa sau Tết 82
(âm lịch, Bà Khốt nhớ là mùng năm tháng hai)
Giọng cô Việt dặn dò trầm ấm dịu dàng như người mẹ
Ta xa quê - lẻ loi với cả phương trời lạ
Viết thư về,  có: Cầu Giấy, Đồng Xa…
Tàu điện leng keng đón ta khi vừa bước khỏi nhà
Có bước chân cô Dung ngoài hành lang, lớp im phăng phắc
Nuôi Hiệp, nuôi Phương Cô chủ nhiệm mình nghiêm khắc
Tấm gương của cô là bài học đầu tiên cho ta nghị lực bước vào đời..
Là  cô Hằng, cô Hiền, cô Thu khuôn mặt rạng ngời
Nói tiếng Nga, IK, giọng như suối chảy
Là thầy Thụy giải toán khó như thường thấy
Là mùi nước hoa, là cách quay người điệu nghệ
Là cô Chung dậy hóa rất nghiêm, là thầy Thung  bệ vệ
Học sinh chúng em láo lếu, tìm các dấu…để ghép tên thầy.
 
Trong chiếc hộp của anh
Có dáng cô Chung địa hao gầy
Cô Thủy dạy văn về truyền thuyết các thần
Sau này không nghe ai nói hay đến thế..
Còn bố Thu thì bao dung như thể
Sinh ra các con, giọng nói nhân từ..
 
Trong chiếc hộp của anh
Nắp hầm thì cứng, rau cải xoong nấu nhừ
Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu (*)
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…
 
Là tháng ngày trôi đi
Kim Lan học nhanh, ngủ vụng, hát thầm
Vũ Hà hát mèo đánh Tây - thành “Hà mèo” từ đấy
Kim Thanh, Lan Phương phổng phao trông thấy
Ngọc Lan làm liêu siêu khóa trước, những anh hào…

Trong chiếc hộp của anh
Kỷ niệm rất ngọt ngào
Chọn lọc tự nhiên, bạn bè gán ghép:
“Nam Cúc”, “Sơn Hà”… đọc lên đanh thép
“Long Thúy”, “Hải Hoa”… như Lý Thường Kiệt viết thơ thần..

Kỷ niệm ngày xưa như xa, như gần
Loan Anh bị phê bình lãng mạn
Mai Hoa viết thư chú bộ đội đảo xa, nên học hành chểnh mảng
Ngọc Điệp  ngày xưa, cán sự chính trị nên rất nhiều nền tảng
Hường bút chì xinh hơn, nữ tính đến không ngờ
Hồng Hà cẩn thận, Hà “phích” giỏi toán bạn được nhờ
Lớp trưởng Ngân Hà  tóc bồng bềnh duyên dáng
Hải khai sì - thi đại học mười phẩy năm môn toán
Lê Dung chữ đẹp, Quỳnh Giao hồn nhiên
Thanh Hà, Lan Anh, Minh Tú, Lệ Anh ai cũng bảo hiền
Mai Hương, Phương Nga, rồi Cúc, rồi Huyên…
Hùng đẹp trai như một con bài
Duy Tiến, Anh Tuấn, Hùng khốt, Sơn Trạc - anh tài
Ăn trộm dưa lê, dân Đồng Xa bắt được
Cùng năm tháng lớn lên theo chiếc roi thầy Hoạt
Vinh dog oai phong phát triển vững bền…
Nào giáo sư Phong kính trắng dáng hiền
Chẳng thích bon chen, đi vào văn học…

Nam đất học Thủy lợi xong mất tiêu,
Tốt nghiệp Đại học Y –Long khẹc
Ở Quốc Oai - sếp bảo hiểm một vùng
Nào Linh Cẩm hai bím tóc kết sau lưng
Nào Hương Lan tính vẫn ương như họ
Ai bảo Thúy còi ở Đội Cung cho bạn bè xiên xọ
Tuyến bác học cần cù luyện giọng, giường rung
Từ khi học lớp phó Liên đã bộc lộ tài năng
Nhiệt tình, sát sao chia tem, chia phiếu
Hà Bắc, Kim Lan, Phương Lan đã tỏ ra có khiếu
Hoạt động phong trào, năng động từ xưa…

Trong chiếc hộp cũ kia
Có nhớ cơn mưa
Tưới phượng bằng lăng
Nhưng không dập nổi dãy nhà lửa cháy
Tôi gom những mảnh mê-ca từ ngày xưa ấy
Cặm cụi làm nhẫn, lược vụng về chưa biết tặng ai? (**)

Và bí mật kia theo ta suốt tháng năm dài…
Nằm trong chiếc hộp kia là kỷ niệm tuổi trẻ một thời chuyên ngữ….
 
                                                                     Hà nội, cuối năm 2011.
                                                                     Đỗ Mạnh Hùng

(*)  Tụi nội trú hồi đó bị ghẻ, nhiều đứa bôi thuốc ghẻ màu xanh (xanh mêtylen thì phải) khắp người như hoa gấm, nên hay bị trêu là người Việt gốc hoa.  
       (HAT) - hi hi, thì ra vậy. Nhưng tớ vẫn tạm thời chưa dùng chữ "gốc hoa" nhé.
(**) Hồi dãy nhà tranh bị cháy, cửa sổ dãy nhà UNICEF gần đó bằng mê-ca nên bị rộp, hỏng, nghe nói Long lấy mê-ca làm nhẫn tặng Thúy, Vinh tặng Thanh, Hùng rô tặng Ngọc Lan ... tôi cũng nhanh tay lấy được 1 khúc làm nhẫn và lược để vào chiếc hộp bí mật ... để lưu niệm 1 thời chuyên ngữ và là tiêu đề của bài thơ này. 

-------------------------------
(HAT) - Để thay lời cảm ơn Khốt, tớ post tặng K13B bức hình chụp lớp các bạn, hình như là vào hôm trồng cây ở sân trường.


Trong bài thơ của Khốt có câu:
"Trường sợ răng học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt gốc hoa, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Tớ không hiểu ý tứ lắm, viết thư hỏi mà chưa thấy Khốt trả lời, nên tự tiện sửa lại chút:

"Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu.
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Để tạ lỗi tự tiện sửa bài, tớ post tặng Khốt bức hình này, mặc dù trong chiếc hộp bí mật của  Khốt có thể cũng có rồi :))


Friday 16 December 2011

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

(Phan Linh Cẩm - K13B)

Tôi vào trường chuyên ngữ hoàn toàn là do quyết định của bố, mẹ. Hồi đó, bố mẹ tôi đều là cán bộ giảng dạy của trường đại học sư phạm Hà nội 1. Sau khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) bố mẹ tôi cho tôi được tuyển chọn và thi tuyển các môn Toán, Văn, Năng khiếu ngôn ngữ để vào trường. Các lý do bố mẹ cho tôi vào học chuyên ngữ là vì học sinh vào trường này được coi như là cán bộ nhà nước - có học bổng và phiếu E, với mức lương thực bao cấp là 18kg gạo/tháng. Với thời kỳ khó khăn đầu những năm 1980, đó quả là một sự thu hút khá lớn. Học ở trường lại rất dễ được đi nước ngoài, nhất là nước Nga, nên bố mẹ tôi, những người từng học ở Nga về, chẳng có sự đắn đo gì mà đưa tôi ngay vào chuyên ngữ lớp Nga.

Nhớ hôm mới vào chuyên ngữ, trời mưa rất to, học sinh được tập trung trong nhà hội đồng để nghe những lời dặn dò ân cần, trìu mến của cô Việt, hiệu trưởng. Cô Việt có giọng nói thật dịu dàng, trầm ấm, như giọng của một người mẹ nói với những đứa con thân yêu của mình. Rồi tôi cũng đi nhận giường trong ký túc xá. Đúng là chẳng biết bao giờ cho đến ngày xưa, thời kỳ bắng nhắng với hai đuôi tóc tết dài, và dáng người gầy gò, điều mà bây giờ chẳng thể nào có được.

Học chuyên ngữ hồi đó thật là thích, học sinh không phải học thêm như bây giờ, các thầy cô thì hết sức nhiệt tình. Lớp được cô Dung chủ nhiệm ngay từ đầu. Vì dạy môn lý nên cô cũng khá nghiêm khắc, chỉ nghe tiếng bước chân của cô đi ngoài hành lang là cả lớp đã im phăng phắc. Đến bây giờ tất cả học trò của cô đều không thể nào quên nghị lực của cô vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng không thể nào quên cách giải bài toán rất điệu nghệ của thầy Thụy, cũng như mùi nước hoa lãng mạn và cách quay người rất nghệ sỹ của thầy. Còn thầy Cường thì nổi tiếng với việc giảng những bài toán một cách vô cùng cẩn thận, nếu học tốt môn toán thầy dạy thì chắc chắn đủ điểm toán để đi học nước ngoài. Cô Chung dạy môn hóa cũng rất nghiêm. Tôi vẫn nhớ việc học chểnh mảng ở lớp 12, chỉ quan tâm đến những môn sẽ thi đại học. Lần đầu tiên trong đời để vở dưới gầm bàn để quay bài trong giờ của cô và đã bị cô bắt gọn. Cô Thủy giảng văn thật lãng mạn, thầy Thu dạy sử lại như một người bố của cả lớp. Hồi đó đời sống còn khó khăn, không có đủ máy móc để luyện tập, nên trong giờ thể dục, thầy Thắng hướng dẫn cho cả lớp tập lộn, hết xuôi lại đến ngược. Không hiểu sao hồi đó tôi khá gầy gò, mà cũng không có năng khiếu thể thao chút nào, chỉ lo bị thi trượt môn thể dục

Trường chuyên ngữ lúc đó cũng không còn quá khắt khe với việc bắt buộc học sinh phải ở nội trú. Do bố tôi xin được một căn phòng nhà lá ở ngay trường đại học sư phạm 1 bên cạnh, nên tôi, Phương lớp trưởng và Điệp, những người đã học cùng cấp 2 với nhau, lại ở cùng nhau, tự nấu nướng, học hành. Tôi vẫn nhớ hồi đó trong lớp có phong trào bói lông mi. Nếu thấy lông mi rụng, được một bạn giấu vào ngón tay mà chỉ đúng ngón, thì ước điều gì sẽ được thành hiện thực. Có lần bói lông mi thành công, tôi đã ước được ăn thịt gà, thế mà chiều đi học về, bố Điệp đã mang thịt gà đến thật. Thời kỳ khó khăn đó, những kỷ niệm như thế chẳng thể nào quên được. Tôi còn nhớ lần cả lớp làm liên hoan, vất vả với món bún chả và phở, thế mà khi ăn sao lại ngon đến thế, ăn xong vẫn thòm thèm vì thức ăn quá ít. Rồi những hôm buổi trưa ở lại trường, mang cơm đi theo ăn, lúc nào cũng luôn mong chờ được Ngân Hà chia sẻ cùng ăn. Mẹ Ngân Hà nấu ăn rất ngon, và hôm nào cũng để vào trong cặp lồng rất nhiều thịt, nhất là món thịt băm viên rán, món xa xỉ hồi đó. Có ăn ở bếp ăn nhà trường với điệp khúc rau cải xoong, bột mì luộc, mới thấy quý thức ăn thế nào. Những lọ muối vừng đầu tuần được mang vào, bao giờ cũng được lắc lên, để lấy những mảnh lạc to ăn trước. Tóp mỡ kho lại nước mắm cũng là món ăn ngon đến thế.

Những hôm biểu diễn văn nghệ, cũng môi son, má phấn, tóc buộc nơ, cùng nhau hát vang những bài tiếng Nga mới học được. Vũ Hà thì dáng người nhỏ bé, hát bài “Con mèo đánh tây” rất phù hợp. Kim Lan thì giọng cũng ấm, nhưng lại hay hát vụng những bài của miền Nam trước năm 1975 nên có khi cũng bị phê bình. Rồi Kim Lan còn nổi tiếng về vụ học nhanh và sau đó lăn ra ngủ nữa chứ. Kim Lan, Hương, Hương Lan có lẽ đã được liệt vào hội ngang, lười học. Hồi đó trong cả hội đói ăn, trông Kim Lan và Phương lớp trưởng khá mũm mĩm so với những cò hương xung quanh. Phạm Lê Dung thì ngay từ khi vào chuyên ngữ đã gây ấn tượng với mầu áo vàng rất ‘dễ nhớ”. Dung hồi đầu khá rụt rè, nhưng chữ viết thì rất đẹp, vì thế bao giờ cũng được giao ghi sổ đầu bài

Những buổi lao động trồng cây ở sân trường vui biết bao. Thế mà cái cây của tổ hai, trồng lại, lần sau cũng vẫn bị bẻ gẫy. Có hôm mặc dù trời mưa, cả lớp vẫn đi nhặt gạch để bán lấy tiền tăng thêm quỹ lớp. Rồi hồi đó, ai nói câu gì hớ là lại bị cả hội xúm vào suy bậy, rồi cười phá lên ầm ĩ. Tôi vẫn nhớ mình phỏng theo bài thơ của Lý Thường Kiệt để ghép tên các đôi bị chế lại với nhau
           Nam Cúc, Sơn Hà, Nam Cúc c…
           Thúy Long, Hoa Hải, Cúc c… c…
Lúc nghĩ ra câu thơ con cóc đó, chẳng có ý gì bậy cả, thế mà khi đọc lên, cả hội đã suy ra, ghép nghĩa đen tối vào đó. Rồi hôm bị cô Thủy gọi lên bảng, đứng trên đó bị cuống, nói: ”thế rồi anh Trỗi liền ấy …”, làm cả lớp cười ầm lên.

Kể ra là học sinh chuyên ngữ thời đó thật ngoan. Lớp chỉ có Loan Anh sớm biết lãng mạn một chút là đã bị phê bình. Mai Hoa có lần viết thư trao đổi với các chú bộ đội ngoài đảo xa, học hành có phần chểnh mảng, cũng bị cô Chung Hóa nhắc nhở. Kim Thanh mắt to, lúc nào cũng rất lãng mạn. Điệp cán sự chính trị thì rất bôn, đã đặt ra quyết tâm gì thì theo đuổi bằng được. Chỉ cần cô Dung nhắc khéo về tật hay ngủ, là Điệp quyết tâm thay đổi, trả lời bằng những điểm cao trong học tập. Thùy cũng nhút nhát, ít nói. Hường cũng như vậy, và hồi đó lớp đặt cho biệt hiệu là bút chì, vì đầu nhọn. Thế mà sau này, khi thành thiếu nữ, Hường trở nên xinh đẹp, nữ tính đến không ngờ. Hồng Hà thì thật cẩn thận, giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập rất chu đáo. Minh Hà bị đặt biệt hiệu là Phích vì giống nhân vật đó trong phim hoạt hình “80 ngày vòng quanh thế giới”. Nhờ có việc thi đại học cả lớp được ngồi cùng phòng, tôi đã hỏi được Hà cách vẽ thêm đường trong bài toán hình, mà ngay sau đó tôi không còn phải cắn bút nữa. Ngân Hà thì xinh đẹp, duyên dáng từ sớm, mái tóc bồng bềnh trong gió, nên cũng đã làm nao lòng nhiều đấng mày râu. Quang Hải được gọi theo tên tiếng Nga, “Khai”, là học sinh yêu của thầy Thụy dậy toán. Hùng khốt thì ngoài vấn đề được mọi người phải ngoái nhìn bởi mầu sắc vàng, tím của áo quần, còn gây ấn tượng vì được cô Thủy khen về bài văn. Thế mà hồi đó ở Hùng, tài ăn nói hóm hỉnh còn chưa nổi trội như về sau này. Các bạn trai trong lớp thì được gắn với biệt hiệu theo như mấy câu thơ khá nổi lúc đó:
Trai giao thông như cành dương liễu
Gái giao thông như củ khoai mì
Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi
Gái sư phạm như chim anh vũ
Chim anh vũ đậu cành dương liễu
Khỉ cụt đuôi bám củ khoai mì
Đoạn thơ này có lẽ bắt nguồn từ hai trường đại học giao thông và sư phạm vì lúc đó hai trường ở gần nhau. Thế mà các bạn học sinh nữ cấp ba chuyên ngữ cũng lấy làm đắc ý lắm. Còn những chuyện cười, ăn như sư, ở như phạm, phải mượn nhau thuốc ngứa, mà hồi đó nhà sản xuất thuốc ngứa cũng dã man, cứ để màu xanh lè, tố cáo khổ chủ.

Ấn tượng của Ngọc Lan để lại đối với mọi người trong lớp là vẻ đẹp mong manh, nữ tính, không những thu hút tất cả các đấng mày râu ít ỏi trong lớp, mà còn của cả các lớp trên. Đến bây giờ, thỉnh thoảng gặp lại nhau, mọi người trong lớp vẫn điểm mặt, ai là người thích Lan nhỉ. Ai cũng nghĩ là Lan yếu đuối, vì từ bé đến lớn đã được chiều chuộng, nâng niu. Có người lại còn bảo, số Lan trông thì an nhàn thế, nhưng có lẽ sẽ vất vả, vì vẻ buồn buồn hiện trong đôi mắt. Thế mà cuộc sống đã tôi luyện tất cả. Những người gặp Lan sau này đôi khi cũng phải ngỡ ngàng, không hiểu Lan lấy đâu ra được nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách  của cuộc sống. Lan vẫn giữ được vẻ dịu dàng, yêu kiều qua thời gian. Cùng tên, nhưng Hương Lan lại gây ấn tượng vì vẻ ương bướng của mình. Sau nay Lan mới kể lại là hồi đó Tuyến đã phát hiện rằng Hương Lan họ Trương, toàn vần ương, nên tên thế, tính thế là đúng quá. Tuyến nổi danh với biệt hiệu “bác học” vì tính chăm chỉ, cần cù khó ai bì kịp. Các bạn nội trú chắc vẫn nhớ cảnh Tuyến dậy từ sớm, tập phát âm chữ “r”, lưỡi rung mà giường tầng cũng phải rung theo. Thúy có biệt danh “còi” vì vóc dáng, các bạn cùng phòng lợi dụng lúc Thúy ngủ say, nói mê, để tra khảo xem thích bạn nào. Nhà Thúy hồi đó ở phố Đội Cung, khiến hội hay suy bậy trong lớp càng thêm phát huy trí tưởng tượng. Vinh thì hay bị cả lớp trêu, nhưng dáng cao, mặc quần ống loe phấp phới, cũng để lại nhiều ấn tượng lắm. Liên lớp phó phụ trách sinh hoạt đã rất nhiệt tình, sát sao, trách nhiệm trong công việc khó nhất là phân phối tem phiếu cho các bạn đăng ký ăn ở bếp ăn của trường. Có lẽ chính thời kỳ đó đã tạo nên tính năng động, nhậy bén, thành công sau này ở Liên. Đôi mắt đen, to tròn, trên gương mặt gầy gò, dáng người nhanh nhẹn, nên nhiều bạn tuy cùng học một lớp, nhưng sinh năm dưới, tự nguyện gọi Liên là chị. Người cũng có ánh mắt lanh lợi, thông minh là Phương Lan, lớp phó phụ trách học tập, cũng bị các bạn trong lớp gán cho tên của bộ trưởng Sa hoàng đàn áp cách mạng. Phong thì lãng mạn, văn chương ướt át, báo hiệu cho tương lai của một thầy giáo dậy khoa văn đại học sư phạm sau này… 

Biết bao kỷ niệm buồn, vui, nhiều khi không thể nhớ lại được hết. Ngồi xem lại những quyển Lưu bút viết vào cuối năm lớp 12. Hồi đó cũng đã mỏi tay để viết những dòng gần giống nhau vào các cuốn sổ, tiên liệu đến nỗi buồn phải rời xa tuổi thơ. Nhưng bây giờ, sau 25 năm nhìn lại, mới thấy thấm thía hết được. Không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được nữa.
(Phan Linh Cẩm)

(HAT) - Bài này Cẩm viết và đăng trong cuốn Kỷ yếu của K13B Chuyên ngữ (lớp tiếng Nga) nhân dịp 25 năm vào trường. Lớp K13A (Anh-Pháp) của mình cũng định làm Kỷ yếu rồi lại thôi, vì thấy mất nhiều công sức quá, trong lớp lại không có "nhà văn nhà thơ" nào (hoặc có nhưng ngại đăng tác phẩm của mình chăng?). Sắp tới hai lớp sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm vào trường, nên mình muốn đăng bài này của Cẩm, để "làm mồi", mở đầu cho Chủ đề Chuyên Ngữ. Hy vọng sẽ có nhiều phản hồi và bài viết của các bạn, về một thời để nhớ.

 Mình còn giữ được bức hình này của một nhóm bạn lớp B. Không nhớ ai tặng mình, có lẽ là Hùng "Rô". Dù Cẩm viết "không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được", nhưng mình vẫn mong các bạn coi bức hình này, và để cho tâm tưởng quay về thăm một thời để nhớ đó nhé.

Thursday 15 December 2011

Chuyện kể lúc về già …

HAT - Các bạn học của mình thời chuyên ngữ đang í ới kêu gọi chuẩn bị họp mặt kỷ niệm 30 năm vào trường. Thời gian bay vù vù, khiếp thật. Nhoằng cái đã 30 năm. Đáng lẽ mùa thu năm nay đã là 30 năm rồi, nhưng hồi đó Chuyên ngữ gọi vào trường từ học kỳ 2, tức là sau Tết Âm Lịch 1982. Mọi người nói lý do triệu tập học sinh muộn là do ... thiếu gạo. Mình không biết đích xác, nhưng có lẽ đúng thế. 

Gần 3 năm sống và học ở Trường PTTH Chuyên ngoại ngữ (ĐHSPHN) là những năm tháng mình không bao giờ quên được. Cuộc sống hồi đó thật khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng tụi mình cứ hồn nhiên như không, cứ vui cười đùa nghịch suốt ngày. Cuộc sống trong môi trường sinh viên nội trú làm học sinh phổ thông 13-14 tuổi tụi mình cũng cảm thấy mình người lớn hơn, tự lập hơn, tự giác hơn, so với hồi ở nhà với bố mẹ.

Mình còn giữ lại một bài thơ vui vui về đời sinh viên, chép lại từ hồi đó, từ cuốn sổ của một chị sinh viên khoa Anh, phòng bên cạnh. Thực ra chẳng biết tác giả là ai nữa, vì chị ấy chắc cũng chép lại từ đâu đó. Vậy nên ta cứ gọi tác giả là "Sinh Viên".



Chuyện kể lúc về già …

Tác giả: Sinh Viên
PS: chị Nguyễn Phương Thảo, cựu học sinh CNN, cung cấp thông tin tác giả bài thơ này là chị Thanh Chung.
 
Mong chóng về già kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc gì dễ quên.

Mình sẽ quay về năm tháng ấm êm
Mái nhà tranh bốn giường tầng – bốn căn buồng hạnh phúc
Những đôi vợ chồng yêu nhau rất thực
Cũng ghen hờn bâng quơ …

Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi người một câu, mỗi người một ý
Mẩu bánh mì nâng tâm hồn thi sỹ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần

Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi hăm mà phòng chẳng có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Mùng 8 tháng 3 mình lại tặng hoa mình

Đấy cái thời chúng mình gọi bình minh
Là tia nắng 8 giờ xuyên qua vách
Thể dục buổi sáng xem như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ.

Con cháu sẽ nghe kể chuyện xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.

Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chắng thể quên những ngày sức ăn như rồng cuốn
Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba.

Thuở ấy chúng mình cũng sống "xa hoa"
Ngày sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn dăm bảy bận 
Gạo ít, người đông, thêm nước lại đầy

Chúng mình đã sống bằng khối óc bàn tay
Bao sự hy sinh kể sao cho xiết
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm.

Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng trời xanh cao vời vợi
Để đêm đêm chúng mình ngắm sao trời.

Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
Ta đã đi qua một thời sôi động
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc thơ – cuộc sống
Để phòng bên nhắc nhở đấm thủng tường.

Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Cũng đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu.

Sau này về già kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đã sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai sống qua rồi chắc gì dễ quên.