Pages

Wednesday 31 August 2011

Чистые пруды

Thân tặng những người bạn đã học cùng tôi ở Trường Moris Thorez (Matxcova)

Nói đến Matxcova, ta hình dung ngay ra Quảng Trường Đỏ, Điện Kremlin, Đền thờ thánh Vasili Blazhenovo ... Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những lưu học sinh Việt nam tại Nga. Đó là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, hoành tráng, ở giữa trái tim của một đất nước vĩ đại. Nhưng đối với mình, hình ảnh thân thương nhất mỗi khi nhớ về Matxcova lại là Чистые пруды (tạm dịch là Hồ Nước Trong được chăng?!).

Hồi mới sang Nga du học, năm 1985, ký túc xá sinh viên bọn mình ở ngay trung tâm thủ đô Matxcova, nhà 6/8 Petroverigskiy pereulok, cái ngõ nhỏ thông ra phố Bogdana Khmelnitskovo (từ năm 1990, phố này đổi lại theo tên cũ là Maroceika, vốn có từ thế kỷ 17). Từ đó ra Quảng Trường Đỏ chỉ khoảng 10 phút đi bộ. Mình hay vào Кремлёвский Дворец Съездов (Cung Hội nghị Kremlin) để xem balet, đơn giản vì gần, hơn nữa hầu như không thể nào mua được vé (và cũng không rủng rỉnh tiền) vào Большой Театр (Nhà Hát Lớn).

Маросейка, 17 - Дом Румянцевых
Suốt hai năm học đầu, trước khi KTX chuyển về Sokolniki, ngoài giờ học, mình đã đi dạo chơi lang thang đến thuộc lòng từng ngóc ngách ở đây. Khu này toàn là những phố nhỏ, yên tĩnh. Nhà không cao, thường 3-4 tầng, nhiều lắm chỉ 6-7 tầng. Có rất nhiều nhà cổ đẹp tuyệt vời, như ngôi nhà trong hình bên. Có nhiều vườn hoa nhỏ xinh xinh, và đặc biệt là vô cùng sạch sẽ và yên bình. Ở khu này trồng nhiều cây topol, một loài cây đẹp, thân cao, có điều vào mùa hoa nở, những sợi tơ từ hoa topol như những dúm bông nhỏ, bay đầy trong không khí, đậu xuống tóc, xuống vai áo, bay cả vào mũi, miệng, hơi khó chịu. Nhiều người bị dị ứng với thứ hoa này, giống như ở ta, khi trồng quá nhiều hoa sữa, mùi hoa sữa nếu thoang thoảng thì thích, chứ nồng quá thì gây khó chịu. Hồi đó mình hay nghịch bằng cách đốt đám sợi tơ topol bị gió vun thành từng lớp bên hè phố.

Từ phố Maroceika, đi xuôi xuống dốc là đến bến metro Ploshad Nogina (nay là Kitai-gorod). Từ đây, nếu đi thẳng một đoạn theo phố Ilinka là đến Quảng Trường Đỏ, còn nếu rẽ phải là ra Quảng Trường Lubianka. Nếu đi dạo, mình lại thường hay ngược lên dốc, đi một đoạn là tới phố Pokrovka, thẳng thêm chút nữa là đến Tchistye Prudy, nằm trên Tchistoprudny bulvard, một phần của Bulvarnoe Koltso.

Чистые Пруды (ист. Википедия)
Những buổi sáng chủ nhật dài lê thê tưởng như vô tận vì cô đơn, mình hay một mình đến đó, ngồi hàng tiếng đồng hồ, ngắm thiên nga và vịt trời bơi trong làn nước xanh (đôi lúc có màu xanh gần giống nước Hồ Gươm), chiêm ngưỡng cảnh thanh bình yên ả của ngày nghỉ cuối tuần. Những bà mẹ trẻ đẩy xe nôi đưa con đi dạo, các em bé nô đùa đuổi nhau trong công viên. Chốc chốc, xe điện chạy ngang qua gõ bánh lanh canh, rồi tất cả lại nhường chỗ cho tiếng cười lanh lảnh của lũ trẻ. Vài cặp tình nhân âu yếm nhau trên ghế đá dọc theo rặng liễu. Mấy cụ già ngồi đọc báo hay chơi cờ đô-mi-nô ...

Чистые Пруды (photosofia.ru)
Чистые Пруды (pokrovka.narod.ru)
Vào mùa đông, nước hồ đóng băng cứng, thanh niên kéo nhau ra trượt băng, chơi hokkey trên mặt hồ. Ven bờ, các em bé được các ông bố cho trượt sanki từ trên bờ dốc xuống lòng hồ. Còn khi xuân sang, lớp băng tuyết tan dần, từ dưới tuyết nhú lên hàng ngàn mầm xanh. Đầu tiên là podsnhezniki, trắng muốt và e ấp, rồi đến oduvantchiki khoe những cánh hoa vàng óng ả. Dù đã ở bên xứ lạnh nhiều năm, mỗi khi mùa xuân về, mình đều không khỏi sửng sốt trước sức sống mãnh liệt của cỏ cây nơi đây.
Подснежник (photoclub.by)

Одуванчики (www.artap.ru)
Ít ai biết rằng, vào thế kỷ 17, cái hồ này được gọi là Hồ Thối (Поганный Пруд), vì đây là nơi xả chất thải của các lò mổ và hàng thịt có rất nhiều ở khu này. Ngày nay gần đó vẫn có phố Мясницкая (Hàng Thịt). Từ đầu thế kỷ 18, hồ được nạo vét, làm sạch, và từ đó có tên là Чистые Пруды (Hồ Sạch - mình thích gọi là Hồ Nước Xanh hơn).

Gắn liền với những kỷ niệm về Tchistye Prudy là ca khúc cùng tên do Igor Talkov thể hiện. Đã nhiều năm kể từ khi xa Matxcova, mình lại lặng người mỗi khi nghe ca khúc này.


 
                     ЧИСТЫЕ ПРУДЫ
                     Композитор: Давид Тухманов
                     Испольнитель: Игорь Тальков

                     У каждого из нас на свете есть места,
                     Куда приходим мы на миг отъединиться,
                     Где память, как строка почтового листа,
                     Нам сердце исцелит, когда оно томиться.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     И я спешу туда, там льется добрый свет,
                     И лодки на воде как солнечные пятна,
                     Отсюда мы с тобой ушли в круженье лет,
                     И вот я снова здесь, и ты придешь обратно!

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     Однажды ты пройдешь бульварное кольцо,
                     И в памяти твоей мы встретимся, наверно,
                     И воды отразят знакомое лицо,
                     И сердце исцелят и успокоят нервы.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     У каждого из нас на свете есть места,
                     Что нам за далью лет все ближе, все дороже,
                     Там дышится легко, там мира чистота,
                     Нас делает на миг счастливее и моложе.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

Friday 26 August 2011

Tàu điện ngầm ở Mátxcơva

Mấy bữa trước ngồi soạn lại mớ giấy tờ cũ, tình cờ thấy cái sơ đồ các tuyến tàu điện ngầm Mátxcơva mà mình mua từ thời sinh viên du học bên Nga. Những ký ức tươi đẹp ùa về.



Từ lâu đã muốn viết về hệ thống tàu điện ngầm ở Nga. Cái sơ đồ giữ được từ xưa đã quá cũ và nhàu nát, mình vào mạng tải về sơ đồ mới (xem hình), so sánh đối chiếu thấy TĐN Mátxcơva đã thay đổi rất nhiều so với hai chục năm trước. Thứ nhất là có thêm nhiều tuyến đường mới, những tuyến đã có trước đây cũng nối dài thêm ra, tạo thành một mạng lưới phủ khắp mọi ngóc ngách của thủ đô Mátxcơva rộng lớn. Thứ hai là có nhiều ga TĐN đã đổi tên, như ga Dzerzhinskovo đổi thành Lubianka, ga Ploshad Nogina đổi thành Kitai-gorod ...

Những ai đã đến Mátxcơva và đi TĐN ở đây, đều phải thừa nhận TĐN Mátxcơva là một trong những hệ thống TĐN lớn nhất thế giới. Từ một tuyến duy nhất khánh thành ngày 15 tháng 5 năm 1935 với 10 ga  từ Sokolniki đến Park Kultury, TĐN Mátxcơva ngày nay có 12 tuyến đường (chiều dài tổng cộng hơn 300 km), 182 ga đang hoạt động và gần 30 ga đang được xây dựng vào thời điểm hiện tại; mỗi ngày chuyên chở hơn 10 triệu lượt hành khách.

TĐN Mátxcơva có lẽ cũng là hệ thống TĐN đẹp nhất thế giới. Ngoại trừ những ga mới xây dựng sau này (có nhiều ga ở ngoại ô là ga nổi trên mặt đất) có thiết kế theo kiểu hiện đại, với vật liệu chính là kim loại và kính, các nhà ga được xây dựng trong các thập niên 30-70 của thế kỷ 20 (đa phần ở trung tâm thành phố), đều là những công trình kiến trúc đặc sắc, nhiều ga giống như những cung điện ngầm dưới lòng đất.

Ga Arbatskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Komsomolskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Mayakovskaya (ảnh sưu tầm)

Các ga TĐN ở đây được bố trí hợp lý, gần những địa điểm đông người đi lại như ga đường sắt, quảng trường, trung tâm thương mại, ... Mỗi ga đều có nhiều lối lên xuống, từ hai đầu ga và từ giữa ga. Các tuyến đường liên kết với nhau bằng một hệ thống hầm chuyển rất thuận tiện (tuy phải đi bộ hơi nhiều). Ở trung tâm, có nơi đến 3-4 tuyến giao cắt nhau (ở những độ sâu khác nhau), và hành khách có thể dễ dàng chuyển từ tuyến này sang tuyến khác. Hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo ... khá đầy đủ, thuận tiện. Trong các đường hầm bộ hành dài dằng dặc dưới lòng đất, người ta vẫn có thể mua được đủ mọi thứ: hoa tươi, báo chí, nước uống, bánh trái ... thậm chí cả nghe các nhạc công đường phố biểu diễn.


Nữ nông trang viên (ảnh sưu tầm)
Có những ga tàu điện ngầm nằm rất sâu, từ trên mặt đất phải đi 2-3 lần cầu thang trượt mới xuống đến nơi. Tuy ở sâu dưới đất, nhưng không có cảm giác nặng nề, vì ga TĐN rất sáng sủa và đặc biệt là được thông gió rất tốt. Ấn tượng nhất là có nhiều tuyến đường chạy ngầm dưới lòng sông Mátxcơva. Tuy nhiên những tuyến mới thường được làm cầu đi nổi qua sông, để tiết kiệm chi phí đào đường hầm.

Trong vòng mấy chục năm trời, giá vé một lần đi tàu điện ngầm được Nhà nước ấn định là 5 kô-pếch (1 rúp = 100 kô-pếch). Sinh viên tụi mình thường mua vé tháng, chỉ còn khoảng 60-70% giá chính thức vốn đã rất rẻ. Để dễ hình dung, học bổng sinh viên VN được nhận hồi đó (1980-1990) là 90 rúp. Lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva là khoảng 200 rúp. Điều khác biệt lớn nhất của TĐN ở Nga so với nhiều nước khác trên thế giới là ở Nga, giá vé không phụ thuộc vào khoảng cách mà bạn di chuyển bằng TĐN, có nghĩa là một khi đã lên tàu, bạn có thể đi đến bất cứ bến nào, đi cả ngày trên tàu cũng được, chỉ với ... 5 kô-pếch. Đó là một đặc điểm của chế độ bao cấp còn sót lại đến tận bây giờ, mặc dù giá vé TĐN hiện nay không còn rẻ nữa: 28 rúp/một lần (khoảng gần 1 usd). Để so sánh, lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva năm 2011 là khoảng 40.000 rúp.

Một đoàn tàu chạy tuyến 1 (tuyến đường màu đỏ Sokolniki - Park Kultury). Ảnh sưu tầm.

Mỗi đoàn tàu thường có 6-8 toa, mỗi toa có khoảng 50 chỗ ngồi và khoảng 100-120 chỗ đứng. Tốc độ trung bình 45-50 km/h. Vào giờ cao điểm, cứ 1-2 phút lại có 1 đoàn tàu vào ga. Tàu chạy khá êm, nhưng cũng phải nói rằng rất ồn. Cho nên hễ lên tàu là mình ít nói chuyện và hay đọc sách, thường tranh thủ làm bài tập hoặc ôn bài trên đường đến trường. Có lẽ vì thế mà từ năm thứ 2 phải đeo hai cái đít chai lên mắt :). Hồi mình mới sang, ký túc xá ở gần ga Dzerzhinskovo. Sau năm thứ 2, KTX chuyển về Sokolniki. Trường học ở Park Kultury, nên bọn mình đi học bằng TĐN rất tiện lợi và nhanh. Khái niệm "gần" cũng là tương đối. "Gần" nghĩa là trong phạm vi 1-2 bến xe buýt, có thể đi bộ. Bên kia người ta đi bộ nhiều. Không như ở VN, ra khỏi cửa là leo lên xe máy, nhiều khi chạy ra chợ vài trăm mét cũng đi xe máy.

Còn chuyện vui vui này nữa.
Có lần mình hỏi chuyện một ông người Việt sang đó làm ăn, rằng ông ở đâu trong thành phố. Đáp: tôi ở gần ga TĐN "cái gáo". Lục tung trí nhớ xem cả Mátxcơva có ga nào như vậy. Nghĩ mãi không ra. Nghe ông kia giải thích, mình mới hiểu đó là ga Frunzenskaya. Chả là chữ cái đầu tên ga đó là Ф, viết tiếng Nga hơi giống hình cái gáo múc nước. Vì vậy mà nhiều người Việt không biết tiếng Nga cứ gọi là ga "cái gáo" hay "cán gáo". Đúng là đi ra thế giới mà không biết ngôn ngữ của người ta thì thật khổ. Nhưng cũng thấy thú vị trước sự "linh hoạt" của dân ta./.