Pages

Friday 10 August 2012

Làm Kiều - khổ hay sướng?

Người viết: Phạm Duy Hải (K13A)

Chào các cụ và các chị em!
 
Bạn Cẩm gửi mail có ý chúc tôi may là giai, không có nhân, tức là không phải là giai nhân, tài sắc vẹn toàn rồi lại khổ như nàng Kiều, nhưng lại làm tôi buồn vì nếu tôi mà là nàng Kiều thì tốt biết bao, và tôi cũng chắc chắn Kiều là niềm mơ ước của rất nhiều người. Cái sướng, cái khổ nó còn tùy theo quan niệm từng người, theo tôi, Kiều là người sướng chứ không hề khổ. Không thiếu các em bây giờ muốn làm                                               Kiều mà không được đấy.
Tôi sẽ chứng minh cho các bạn tại sao tôi lại suy nghĩ như thế.

Từ trước đến nay, chúng ta đều biết cuộc đời Kiều chỉ toàn gặp cảnh khổ đau, oan trái, khởi nguồn từ sự đặt điều vu cáo của thằng bán tơ:
             Điều đâu bay buộc ai làm ?
        Này ai dan dậm, giật giàm bỗng dưng ?
             Hỏi ra sau mới biết rằng:
       Phải tên xưng suất là thằng bán tơ
Ừ, cứ cho đó là nguồn cơn cho số phận hẩm hiu của Kiều đi, nhưng tôi nghĩ Kiều phải cám ơn thằng bán tơ mới đúng, vì nhờ có hắn mà Kiều mới có cơ hội biết được giá trị của mình,
Để cứu được Vương ông và Vương Quan khỏi vòng lao lý, cần phải có 300 lạng vàng để lo lót:
             Tính bài lót đó luồn đây,
      Có ba trăm lạng việc này mới xuôi
Đúng là lúc đó Kiều không còn cách nào kiếm tiền ngoài việc phải bán mình, nói bán mình là theo nghĩa bóng thôi, chứ thực ra ý Kiều là ai mà bỏ tiền ra để cứu cha và em của nàng thì Kiều sẽ thuận về làm vợ người ấy, và ngay cả trong hoàn cảnh đó, Kiều cũng đã có ý cò kè ngã giá cho mình rồi, chẳng cần biết người chồng sắp tới của mình là thế nào nữa:
              Cò kè bớt một thêm hai,
      Hồi lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Bốn trăm lạng vàng? các bạn thấy khiếp không? tôi không rõ đơn vị lạng thời đó thế nào, thôi ta cứ tạm cho là lượng đi, coi mỗi lạng là 1 lượng, 1cây đi, thì Kiều cũng thu về ít nhất 400 cây vàng cho phi vụ bán mình của nàng. 400 cây vàng theo thời bây giờ qui ra khoảng... 20 tỷ, chòm chèm đâu có... 1 triệu USD chứ mấy. Cứ cho là nàng bỏ ra 15 tỷ để cứu cha và em trai (tương đương 300 lạng) thì Kiều cũng còn hơn 5 tỷ giắt lưng. với số tiền đó, tôi cứ tính tạm thế này, Kiều có thể mua 1 căn hộ chung cư cao cấp theo Dự án khoảng 100m2 với giá tầm 22-23 triệu đồng/m2, thêm 700 triệu tậu 1 quả Kia Forte để đi lại cho đỡ mưa nắng và 1 em LX150 khoảng 100 triệu nữa thì vẫn còn cỡ 2 tỷ gửi ngân hàng để hàng tháng rút ra 15 triệu tiêu vặt (theo lãi suất 9%/năm). Ôi thế thì sống khỏe rồi mà chẳng cần lo nghĩ gì.  Bây giờ khối người mẫu, ca sỹ nâng giá mình hết cỡ cũng chỉ được cùng lắm là 2000 USD, thế mới biết Kiều cao thủ thế nào.
Còn cái chuyện Kiều không gặp ai khác mà gặp phải Mã Giám Sinh thì cũng là chuyện thường tình, cũng như bà già kẻ cắp gặp nhau thôi, có vấn đề gì đâu, miễn là mục đích đạt được. Nhiều cô bây giờ mà gặp Mã Giám Sinh chẳng lại cám ơn rối rít ấy chứ.
Đã hết đâu, sau này Kiều còn gặp rất nhiều đại gia nhé, thôi thì chuyện villa, xe hơi, đồ hiệu cứ là chuyện nhỏ như con thỏ. Một trong những đại gia mà Kiều cặp là Thúc Sinh, tay này vì Kiều mà sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ:
               Thúc Sinh quen thói bốc giời
       Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Tôi không thể tính nổi thu nhập của Kiều là thế nào nữa.
Và nữa, tôi nghĩ trong chúng ta, chắc chắn sẽ có người chấp nhận:
            "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
             Hơn suốt đời le lói ánh đèn dầu"
Vậy mà đã có lúc Kiều leo đến hàng "đệ nhất phu nhân" đấy các bạn ạ. Trong số các bạn nữ K13, đã có ai được những khoảnh khắc huy hoàng như thế này chưa? Đây là đoạn tả Từ Hải cho quân đến đón Kiều về làm vợ khi ông đã trở thành vua của một vùng:
                 Giáp binh kéo đến quanh nhà,
          Đồng thanh cùng gửi: nào là phu nhân?
                Hai bên mười vị tướng quân,
        Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu.
               Cung nga, thể nữ nối sau,
        Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui.
Rồi:
             Trướng hùm mở giữa trung quân,
        Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Phải nói Kiều như có thần Tài hộ mệnh vậy, vàng bạc cứ tự nhiên tìm đến nàng. Ngay cả khi làm sư nữ ở Quan Âm Các trong vườn nhà Hoạn Thư, lúc trốn đi Kiều cũng không quên giắt lưng mình cả 1 bọc vàng bạc:
               Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
        Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
              Bên mình giắt để hộ thân,
Ôi đọc chuyện của Kiều, tôi chẳng bao giờ thấy Kiều bị ăn đói, mặc rách, sống nghèo khổ, phải luôn luôn đối mặt với khó khăn, bươn trải với cuộc sồng hàng ngày. Lúc nào nàng cũng đầy đủ cơm áo gạo tiền ... và cả tình! Cuộc sống của Kiều như thế có thể coi là ổn định, có thể làm được nhiều việc tốt để trở thành người tối, có cơ hội giúp đỡ nhiều người lắm ...

Vậy tại sao Cẩm lại chúc mừng tôi không có nhân, để tôi không có cơ hội là Kiều ... Cẩm ơi?


Các bạn không đồng ý với quan điểm của tôi chỗ nào, xin cứ cho ý kiến nhé, rồi chúng ta cùng bàn.

PDH - 08.2012


Wednesday 8 August 2012

Sám hối


Đỗ Mạnh Hùng - K13B


 
Làm sao níu những gì vừa mất
Dập dìu đường dạo bước bên nhau
Tần ngần đứng, phố dài hút mắt
Chơ vơ chiều rân rấn niềm đau
 
                 Anh thả bước tìm về nơi cũ
                 Kỷ vật em vừa để lại trên bàn
                 Màu hoa cứ vô tâm rạng rỡ
                 Cháy hết mình sắc đỏ chói chang
 
Chưa ý thức hết điều vừa mất
Chiều vẫn trôi, tiếng ve vẫn khan
Lẽ nào vậy, sự ra đi chớp mắt
Bất ngờ như là lúc gặp nhau chăng?
 
               Hạnh phúc đến, chất đầy không giữ nổi
               Lật bàn tay xem số phận riêng mình
               Vừa mới đấy chải tay vào tóc rối
               Mà bây giờ sám hối trước tâm linh
 
Em không lại, ngày cũng vừa đi khuất
Anh đã là xa vắng, thuở xưa ơi!
Em đã cắm trên mồ anh tưởng tượng
Chỉ một cành phượng vĩ đỏ tươi...

Friday 3 August 2012

68 Liên Trì

Các bạn thân mến

Vừa rồi nhiều bạn K13 đề nghị tổ chức off để các bạn có con học giỏi chia sẻ kinh nghiệm. Nhân dịp Hiến ra Hà Nội, bị bắt khao thành tích của Trịnh Hoài Nam. Thế là cả bọn rủ nhau tụ họp tại nhà hàng gia đình Đặng Minh, 68 Liên Trì.



Mấy hôm vừa rồi theo cậu con trai ra sân, chịu hết nắng lại đến mưa, nên đầu mình đau buốt. Tối hôm trước khi đi tụ tập, cố hoàn thành nhiệm vụ miêu tả vợ Hoan, do đó bị nhập đồng, cứ gọi tên các bạn trai khác là Hoan. May mà được cười một trận xả láng nên đầu cũng đỡ đau hơn.


Mình đến hơi muộn, khi các bạn khác đã yên vị. Tranh thủ ngồi cạnh Hiến để học hỏi kinh nghiệm dậy con. Mình vô cùng ngạc nhiên khi thấy Đặng Minh, hóa ra nhà hàng là của gia đình Đặng Minh, đây là nơi Đặng Minh đã được sinh ra. 
Hiến có tài tổ chức hơn mình rất nhiều. Bằng chứng là khi kêu gọi tụ tập, mình chỉ có thể huy động trên dước chục bạn, còn lần này là gần ba mươi người. Có những người không xác nhận mà vẫn đến như giáo sư Phong, hay ít ra khỏi nhà buổi tối như Hồng Hà, Hiền. Có thể chủ đề mà Hiến đưa ra thu hút được quảng đại quần chúng. Cũng vì hôm sau Vượng bận do đó Hiến phải tổ chức sớm hơn, làm Hải quên, đã trót đi tỉnh, không về kịp, có vẻ theo gương Khốt, dỗi một ít.
 
Hiến giọng sang sảng, nên át hết được các giọng buôn chuyện của những bạn khác. 
Đầu tiên Quỳnh giới thiệu về việc làm thế nào con trai út của Quỳnh có thể giành được học bổng A - star để vào được trường Raffle bên Sing rồi sau đó sẽ vững bước tiến vào NUS. Quỳnh cũng bảo chia sẻ kinh nghiệm thật khó, vì quan trọng nhất là phụ thuộc vào từng đứa trẻ. 
Phương cũng thông báo thành tích của con gái đầu trong cuộc thi tiếng Anh toàn thành phố cũng như thi đỗ vào các trường chuyên cấp 3 và cuối cùng chọn vào trường Am. Đặng Minh chia sẻ việc giáo dục con giữa hai nền văn hoá, để con vẫn giữ được bản sắc và quan trọng là đọc, viết được tiếng Việt.
Còn con của Hiến thì quả là quá độc đáo. Hiến nói mỗi ngày con chỉ ngồi vào bàn không quá 15', nhưng con đã tập trung nghe giảng trên lớp nên học không mất thời gian. Ngay trong cuộc thi hùng biện vừa rồi, con Hiến nhỏ tuổi nhất, thi với các anh chị có người đã có bằng master nhưng con tạo dấu ấn bởi sự độc đáo và tư duy ấn tượng, đi theo con đường riêng nhưng có thể tạo những sự thay đổi. Chắc chắn tài ăn nói đã được Hiến truyền lại cho con. Nhìn con Hiến giơ tay hùng biện, Vinh Tổng cứ nhận là giống Vinh, nên Hiến đã hứa sẽ gửi đường link bài phát biểu đó để mọi người nhận xét. Kết thúc phần nói về các con, mọi người đều nhất trí sẽ làm một buổi giao lưu để F2 chia sẻ thông tin cho nhau.

Còn khi các bố mẹ chuyển sang nói những chuyện BB thì không khí còn rôm rả hơn nữa. 
Thái Hà vì chăm con, đến muộn một chút, nhưng quyết tâm giành lại hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Chồng nghĩ ra một từ độc đáo, thì vợ cũng ngay lập tức tung chưởng, quả là đôi lứa xứng đôi. 
Cả hội truy tìm nguồn gốc tên của Vinh Tổng, hết đổ cho Hoan, Khốt, Tuấn, Hải, cuối cùng hoá ra bắt nguồn từ Thái Hà. Mọi người đều nhất trí vào tuổi của chúng ta, phải làm bạn với các Tổng mới xứng. 

Quỳnh vừa nhắc phải có Bảo Thư thì Lâm mới đến, thì Lâm trong chiếc áo phông hồng rực đã bước vào, cả hội vỗ tay ầm ĩ làm Đặng Minh phát ghen bởi Minh không được chào đón như vậy mà ở nhà Minh còn nhiều áo rực rỡ gấp mấy. Khốt lại giương ống kính thường trực, bấm liên tục. Tiếc rằng Hùng phải đưa Vinh Tổng và Giáo sư Phong về nên không chém gió phần BB được. Nhưng thơ Khốt thanh tao, nên chắc Khốt cũng không thích những chuyện gẫu không tao nhã đó mấy. 
Mình, Phương, Kim Lan, Ngọc Lan muốn đứng lên về mấy lần, mà không thể dứt ra được. Do đó khi đến vần C tên mình, thấy mọi người bí, cứ bỏ qua, khiến cả hội không thể rời xa, do vậy mình mới buột miệng thốt ra, làm cả hội cười nghiêng ngả. Ông xã vẫn nói mình phải uốn lưỡi 21 lần, nên khi nói rất hay bị lộ vở. Khi viết thì cẩn trọng, kiểm tra đi kiểm tra lại, do đó HAT bảo bài của mình miêu tả như của một cháu cấp 1.

Bài tường thuật xin được phép dừng ở đây nhé.

PLCẩm

Friday 13 July 2012

BỚT MỘT

Phạm Duy Hải - K13A
Chào các bạn!
Bài thơ "Thêm một" của Trần Hòa Bình tôi đọc cũng lâu rồi, và rất thích vì có nhiều tâm trạng giống với tôi. Tiếc là anh ra đi sớm quá... Bài "Thêm một" của anh ra đời một cách tình cờ, và anh đã nghĩ đó là lộc trời cho. Theo lời anh kể, một lần trên đường về nhà anh bị 1 chiếc lá rơi trúng đầu, anh ngước lên và ngỡ ngàng khi nhận ra mùa thu đã đến từ lúc nào không biết, nên mới có câu: "Thêm một chiếc lá rụng, Thế là thành mùa thu". Vẻ đẹp và cảnh sắc của buổi sáng mùa thu hôm đó đã khiến Trần Hòa Bình rung động và "Thêm một" đã ra đời rồi trở nên rất nổi tiếng sau này.
Còn tôi, tôi thấy có "Thêm một" thì tại sao không thể có "Bớt một" Tôi làm bài "Bớt một" rồi post lên diễn đàn K13CNN không có ý dám đối đáp gì với anh mà chỉ muốn mượn ý thơ của anh mà họa vần... Cũng là cách bày tỏ sự mến tiếc anh (bớt một chiếc lá rụng là bớt đi tác giả bị chiếc lá kia rơi trúng đầu vậy)... trong khuôn khổ diễn đàn này, với các bạn đã thích bài thơ này.
 
      BỚT MỘT
A natural kiss (Arte Movil Joyeros)
 
Bớt một chiếc lá rụng,
Mùa thu thiếu sắc thu.
Bớt một tiếng chim gù,
Ban mai buồn da diết.
           
            Dĩ nhiên là tôi biết,
            Bớt một - thiếu lắm thay.
            Nhưng mà tôi cũng biết,
            Bớt một - kể cũng hay.

Bớt một lời dại dột,
Lẽ nào em bỏ đi.
Bớt một chút lầm lỳ,
Năn nỉ em đừng khóc.
           
            Bớt một chút xao lòng,
            Còn trông mong gì nữa.
            Bớt đi một lời hứa,
            Chắc gì đã tin hơn.
 
Bớt đi một chút buồn,
Thấy mình như vui lại.
Bớt một đêm mưa dài,
Ban mai thêm tinh khiết.
           
            Dĩ nhiên là tôi biết.
            Bớt một - kể cũng hay...
 
Tháng 7/2012 
PDH

Tuesday 3 July 2012

Thơ tặng Cẩm

Phạm Duy Hải gửi K13CNN blog


Linh Cẩm bạn của chúng ta,
Dáng đi rất khẽ... như là đi nghiêng,
Khư khư ôm nết thảo hiền
Nhiệt tình nối nhịp, kết liên bạn bè.
Mỗi khi tụ tập hội hè,
Cẩm đều hăng hái chẳng nề hà chi.
Giơ tay gánh vác bất kỳ,
Việc to việc nhỏ, việc gì cũng xong.
Quí nhau là ở tấm lòng,
Mến nhau là ở cùng trong khóa mình,
Thương nhau là ở chữ tình,
Trọng nhau là ở cái trình văn chương.
Tản văn Cẩm viết tỏ tường,
Chuyện mình, chuyện bạn, chuyện trường, chuyện cô.
Cuộc đời giống cuộc ngao du,
Vui cùng tình bạn cho dù ở đâu,
Xa thì nửa quả địa cầu,
Gần thì thỉnh thoảng ới nhau hội hè.
Quăng ra bài viết, thơ vè,
Đăng đàn tấp nập lăm le chọc đùa,
Thơ gà, thơ cóc, thơ cua
Diễn đàn gặp dịp, chúng ùa cả ra.
Linh Cẩm bạn của chúng ta,
Dáng đi vẫn khẽ như là đi nghiêng...
 
Tháng 7/2012
PDH

Wednesday 20 June 2012

Nói chuyện với con cái tuổi teen – dễ hay khó?



TNH gửi K13CNN blog

Chào cả nhà,

Do đã “chót hứa” với một số bạn, tôi xin gửi câu chuyện sau đây minh họa cho chủ đề nêu trên lên forum để các bạn cùng suy xét. Bạn nào không thích thì cứ việc delete đi nhé.

Đây là chuyện có thật tôi được "tai nghe mắt thấy" liên quan đến vấn đề nhạy cảm không chỉ với tuổi teen mà cả người lớn: tìm hiểu về SEX.
Anh bạn tôi có hoàn cảnh rất giống tôi là trong gia đình có cậu con trai khoảng 15-16 tuổi, anh ấy thường xuyên đi công tác xa và chỉ có mặt ở nhà vào cuối tuần. Phần lớn thời gian cậu con trai được mẹ chăm sóc. Bài viết theo dạng "tường thuật" nên các nhân vật trong bài sẽ được gọi ngắn gọn là: Chồng - Vợ - Con để cho tiện.

Chuyện là thế này....
Cuối tuần đi công tác về nhà nhân lúc Con đi học, 2 vợ chồng ngồi nói về chuyện học hành, định hướng cho con thì Vợ khá hồi hộp kể cho Chồng về chuyện gần đây mỗi lần ra bàn học của Con thì thấy cậu ta chuyển màn hình vi tính rất nhanh và có vẻ không tự nhiên. Do thị lực kém và trình độ IT cũng ko cao nên ko rõ con trai đang làm gì và kết luận "chắc nó xem phim, ảnh sex anh ơi, em lo quá". Thay vì thống nhất sẽ “tra khảo” con cho ra nhẽ như nhiều bố mẹ khác thường làm “mới tý tuổi đầu mà đã...”, thì Chồng khá bình tĩnh trao đổi với Vợ về con trai ở tuổi đang dậy thì thì điều này hoàn toàn bình thường chỉ quan trọng là xem liệu có đi quá giới hạn với tuổi tác hay lệch giới tính hay ko để có điều chỉnh (do biết là chưa có bạn gái). Một kế hoach cụ thể để nói chuyện với Con được Bố vạch ra.
- Yêu cầu bà xã ko quan trọng hoá vấn đề mà cư xử như bình thường
- Tự mình cố gắng xâm nhập bí mật máy tính của con trai để tìm hiểu nội dung các trang web, thu thập thông tin chuẩn bị cuộc nói chuyện tay đôi (vi phạm privacy)
- Dành thêm thời gian nói chuyện về các chủ đề khác nhau với con trai để tạo niềm tin và sự tự nhiên trước cuộc trò chuyện tế nhị này.
- Cân nhắc phương pháp tiếp cận làm sao con trai sẽ tâm sự những quan điểm về chủ đề tế nhị này

Thời gian chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này phải kéo dài khoảng gần 2 tháng do những thời điểm chưa chín muồi và các lý do khác:
- Máy tính được Con cài đặt password riêng, nếu yêu cầu đưa password thì "lộ hết bí mật" sự đề phòng sẽ lên cao và khó thành công khi nói chuyện. Chắc lúc đó câu trả lời đơn giản là chẳng có gì đâu mà bố mẹ phải lo, mọi việc đều bình thường...Phải sau cả tuần mới thâm nhập được vào PC. 1 – 2 lần đầu truy cập tất cả các mục lưu "history" bị xoá sạch ko dấu vết. Truy tìm các ổ lưu trữ hoặc temporary đều ko có gì. Cuối cùng cũng thành công do "sơ xuất" kỹ thuật của Con. Các trang web đúng là có nội dung liên quan đến sex nhưng ở cấp độ "rất nhẹ/soft" như ảnh, clips nude 100% hoặc nửa kín nửa hở...của nữ giới. 2 vợ chồng thở phào vì chí ít là ko lo "lệch giới tính" và không đi quá đà.
Kiểm tra về mức độ thường xuyên truy cập thì thấy thường vào sáng sớm khi dậy chuẩn bị đi học và vào buổi tổi khi mẹ muốn đến nói chuyện. Như vậy xác định được con trai đã lớn và nhu cầu tìm hiểu giới tính đã chín muồi.
Để xong phần này mất cả tháng và song song với việc tìm hiểu vẫn là các buổi tranh luận trao đổi các chủ đề thể thao, văn hoá khác nhau…

Giờ G đến...
Trong buổi xem đá bóng như thường lệ vào cuối tuần, đang lúc trận đấu hấp dẫn, dường như vô tình, Bố hỏi:
"Hôm bữa mấy cô chú hỏi bố xem con đã có bạn gái chưa? Bố chẳng biết trả lời thế nào cả, tình hình có gì không con".
Thái độ phòng thủ thể hiện trên nét mặt Con và câu trả lời là :
"Chưa, thôi tập trung xem đi bố, trận bóng đang hay"
Stop here ???
Giờ nghỉ giải lao giữa hiệp, bố quay lại chủ đề này:
"Bố hỏi vậy vì tuổi con mà có bạn gái để ý đến con hay con để ý đến bạn thì cũng bình thường chứ sao, nếu vậy con trai thua bố rồi. Hồi bằng tuổi con bố thích mỗi năm 1-2 cô là chuyện thường, bố và mấy đứa bạn nghĩ ra đủ trò để cưa các bạn nữ hay ra phết”
Chiêu khích tướng có vẻ chưa phát huy tác dụng, tuy nhiên con bắt đầu chú ý và hỏi lại
“Chiêu gì hả bố?”
Sau khi chia sẻ các kinh nghiệm (có hư cấu), Bố kể tiếp:
“Hồi đó bọn bố mỗi lần có được cái ảnh các cô người mẫu như Samatha Fox mặc bikini (giống mấy cố chụp ảnh lịch bây giờ) là mấy thằng con trai mới lớn như con chụm lại xem giấu giếm kẻo thầy cô bắt được chắc đuổi học luôn, lâu lâu lại đi nhòm ngó trêu chọc mấy bạn nữ trong lớp. Hồi đó  nói chuyện trực tiếp còn không dám chứ đừng nói đến cầm tay hay hôn hít…Chẳng biết thời buổi thông tin đại chúng như thế này, truy cập internet thuận tiện, tụi con thế hệ này có gì khác không nhỉ ?”
Hết cảnh giác, tính hiếu thắng nổi lên và chiêu khích tướng bắt đầu có tác dụng, Con “sập bẫy” và tuôn ra luôn:
“Tưởng gì, vậy mà bố đòi hơn tụi con bây giờ hả, còn lâu…, mấy cái ảnh đó bây giờ không xi nhê gì đâu, tui con là biết hết…”
Bố tiếp tục khích tướng và Con tâm sự:
“Thì chuyện đàn bà đàn ông, quan hệ nam nữ, làm sao có con, sinh con ra sao v.v.. Trên mạng đầy, chỉ có điều xem vậy thôi chứ không thích và cũng “chưa…làm”
Bố khai thác luôn:
“Thả nào hôm bữa nghe mẹ nói mỗi lần ra chỗ con ngồi là con chuyển màn hình PC, chắc đang coi sex hả?
Con:
“Chính xác, mà chỉ coi softcore thôi chứ mấy cái hardcore không quan tâm”
Cái này Bố đã kiểm tra PC nên biết con nói thật, Bố:
“Thế bạn bè đến lớp có nói về chủ đề này không?”
Con:
“Bữa nào chả nói, mà chỉ mấy thằng con trai thôi, tụi con ngày nào chả share đường link cho nhau, tụi con gái hình như cũng vậy mà chỉ trong nhóm nữ thôi”
Mọi điều con nói được Bố kiểm tra trước thấy khớp hết nên yên tâm con nói thật.
“Bữa nào chia sẻ links cho bố coi với nhé, bố chia sẽ cho con links nào bố biết”
Con hào hứng:
“OK, mà bố khỏi cần gửi cho con, tự tui con tìm thấy đầy”
Bố tìm hiểu kỹ hơn:
“Con nghĩ sao về chuyện này?”
Con:
“Bình thường, ai lớn lên mà chả vậy”
Bố “tấn công” ngay vào trọng tâm
“Sao không chia sẻ, nói chuyện, tâm sự cùng bố mẹ là những người có kinh nghiệm, hiểu biết hơn mà?”
Con trải lòng:
“Trời, chuyện này con cứ tưởng chỉ cần bố mẹ biết cũng đủ “tiêu đời” chứ ai còn dám nói hay tâm sự nữa, mấy thằng bận nói với nhau vậy thôi”

Và rồi câu chuyện đã cởi mở hơn, chân thành hơn dù trận bóng hấp dẫn vẫn diễn ra…Kết thúc là sự thống nhất Con sẽ trao đổi cùng Bố và chia sẻ suy nghĩ khi găp phải các tình huống trong cuộc sống do Bố có kinh nghiệm hơn (không chỉ chủ đề SEX) và Bố cam kết lắng nghe và cũng chia sẻ lại. Có điều tạm thỏa thuận “đây là chuyện đàn ông, cũng chẳng cần nói cho mẹ biết nhé” (mặc dù sau này Bố có phạm qui là kể lại cho mẹ và y/c giữ kín thông tin).

Qua câu chuyện trên, các bạn sẽ tự đánh giá xem nói chuyện với con cái tuổi teen là dễ hay khó nhé. Tất nhiên trên quan điểm nói chuyện “tích cực, có chia sẻ” thay vì quan điểm “ngày nào mà chẳng nói chuyện với con (theo kiểu độc thoại từ 1 phía và không có phản hồi từ con)”

Theo tôi, nhiều gia đình chúng ta hiện nay đang có con ở độ tuổi mà việc nói chuyện với các con của mình không hề dễ dàng chút nào. Mới cách đây mấy năm, có chuyện gì cũng kể cho bố mẹ mà tự nhiên bây giờ về nhà "câm như hến" hoặc cùng lắm thì cũng trả lời qua loa cho "hoàn thành nhiệm vụ với phụ huynh", đại loại như, "mọi việc bình thường, ko có gì đặc biệt" trong khi bản thân câu trả lời đó đã là biểu hiện của sự "không bình thường" trong giao tiếp với cha mẹ.
Sự thay đổi tâm sinh lý của con chúng ta không biết có giống hồi chúng ta ở lứa tuổi đó không nhỉ? Nhiều nhà tâm lý học và các bậc phụ huynh cũng đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên, tìm ra giải pháp để con cái thích tâm sự với bố mẹ nhiều hơn để bố mẹ có thể yên tâm hơn hoặc giúp đỡ con ở độ tuổi quan trọng này, đó cũng là mong muốn của 100% các bậc phụ huynh, thì lại không đơn giản chút nào. Con chúng ta đã lớn, muốn khẳng định mình, thậm chí nghe bạn bè hơn cả cha mẹ, nói chuyện với máy tính hàng giờ nhưng không giành quá 5 phút mỗi ngày cho cha mẹ ???
Đôi khi tôi giật mình khi thấy rằng cách hành xử của mình (phụ huynh) sao giống y như của cha mẹ mình với mình khi ở độ tuổi đó, sự quan tâm thể hiện qua mệnh lệnh, yêu cầu con cái trong học hành sinh hoạt...mà không chịu hiểu xem con cái của chúng ta đang lớn đang nghĩ gì...
Gần đây tôi có nghe ông bạn kể lại dạo này mọi việc vẫn tiến triển tốt đẹp, đôi khi sáng dậy thấy con trai có biểu hiện “đàn ông” được ghi dấu trên quần, hai bố con vẫn trêu nhau…Ngoài ra con cũng vẫn “theo dõi hình ảnh & phim” với mức độ trong tầm kiểm soát và con có tâm sự là đến lớp các bạn trai cũng đã ít nói về sẽ hoặc chia sẻ đường links như trước (có lẽ đã biết ngượng). Cậu bạn mình giờ đây cũng khó truy cập vào PC của Con do password thay đổi liên tục và không có cơ hội nữa…(phải chăng đây lại là giai đoạn mới của quá trình “dậy thì” với “tinh thần cảnh giác cao độ ???)
Tôi vẫn gặp phải điều này thường xuyên với con trai của mình và đang cố gắng kiên nhẫn để có cách ứng xử như của ông bạn nêu trên và kết quả là khá khả quan.

Các bạn có gặp phải vấn đề tương tự với con mình ko?

Have a nice weekend !

TNH – tháng 5/2012

Wednesday 30 May 2012

Tâm sự mùa thi


Chào các bạn,
Đợt này khi các bạn đăng ký cho con đi dã ngoại tôi mới biết có nhiều bạn sẽ có con năm nay phải thi chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10) hay thi vào trường chuyên, hoặc thi đại học. Tôi muốn viết e-mail này xin trao đổi với các bạn 1 số kinh nghiệm khi đi thi của tôi. Mặc dù tôi thi trượt rất nhiều nhưng hy vọng 1 phần nào có thể  giúp các cháu có thêm “tuyệt chiêu” cũng như tránh được các sai lầm đáng tiếc.

1. Không chép đề thi: (có thể bây giờ thì đã lạc hậu vì đề thi toàn được photocopy  phát tới từng thí sinh và ko phải chép đề nhưng tôi cứ viết ra, biết đâu còn có những kỳ thi mà đề thi được viết lên bảng). Do chép đề thi thì mình cũng ko được tính điểm mà ko chép đề thi thì mình cũng ko bị trừ điểm, đồng thời thời gian thi được tính từ khi chép đề xong nên tôi nghĩ tốt nhất là đừng chép đề thi. Khi giám thị bắt đầu chép đề lên bảng thì cũng là lúc mình bắt đầu làm bài luôn, việc này đôi khi có thể làm cho mình dôi ra đến 20-30 phút so với các bạn khác. Hơn nữa thường câu 1 là câu dễ nên mình cố gắng làm luôn trong tinh thần thoải mái (vì ăn gian được giờ) sẽ tránh được các sai sót ngớ ngẩn kiểu 2 + 3 = 6 và thêm tự tin để làm các câu sau.

2. Chỉ nháp 1 mặt: Các bạn lưu ý các con (đặc biệt khi thi toán) chỉ nháp 1 mặt . Thường thì khi nháp đến hết mặt 1 là lúc triển khai ra được nhiều con số lằng nhằng nhất do vậy nếu theo thói quen mình nháp tiếp sang mặt 2 thì mình vừa phải lật mặt nháp đi lật mặt nháp lại để chuyển phần đang triên khai sang mặt 2. Đây là lúc rất hay chép nhầm kiểu 2y3 lại chép sang thành 3y2. Vì chép nhầm nên chắc chắn làm sẽ ko ra, hoặc ra đáp số sai, đồng thời rất khó phát hiện ra chỗ sai của mình. Để khắc phục lỗi chép sai này các bạn nên nháp tiếp vào mặt 1 của tờ nháp mới, như vậy rất dễ theo dõi vì nó liên tục. Giấy nháp khi thi được phát vô tư nên đừng tiết kiệm.

3. Nghi ngờ khi đáp số quá phức tạp: Thông thường thì đáp số tương đối “đẹp”. Tôi xin nhắc lại là “thông thường” thôi nhé. Đẹp ở đây tức là nó không quá dài, lằng nhằng và bất thường kiểu như có đến cả căn bậc 11. Khi thấy hiện tượng này nên kiểm tra lại toàn bộ phần triển khai vì rất có thể bị nhầm ở đâu đó.

4. Đừng vội xóa phần làm sai và  hãy chép toàn bộ phần đã triển khai: Khi phát hiện ra phần mình làm sai trong bài làm, đừng hoảng loạn lấy bút gạch toàn bộ câu này. Hãy bình tĩnh làm lại phần này vào trong bài làm. Khi nào đã chắc chắn làm lại xong rồi thì hãy xóa bỏ phần làm sai để đề phòng trường hợp đã xóa phần làm sai nhưng chưa kịp chép lại phần làm đúng thì đã hết giờ trong khi đó khi chấm điểm lại làm đúng đến đâu cho điểm đến đấy. Có khi làm ra đáp số sai nhưng một phần triển khai đúng thì vẫn có điểm.

Khi vẫn còn thời gian mà mình không thể làm thêm được câu nào nữa, cứchép tất cả các phần mình triển khai để làm các câu chưa làm được vào bài làm vì đúng đến đâu chấm điểm đến đấy nên có khi vẫn được ¼ đến ½ điểm nếu theo hướng đó có thể giải quyết bài toán. Khi đi thi cần “tiết kiệm” hoặc “kiếm” từ ¼ điểm một. Cộng cả 3 bài thi như Toán. Lý, Hóa lại thì số điểm này sẽ không nhỏ chút nào.

5. Quay cóp: Tôi không hề có ý định xui các con quay cóp trong khi thi, vì nếu bị giám thị phát hiện thì hậu quả khôn lường, nhiều khi công sức học ôn rồi thi cử vất vả lại thành công cốc, nếu bị đuổi thi. Nhưng nhân tiện con của Hùng tinh ý phát hiện ra tôi còn "tuyệt chiêu" quay cóp, nên tôi cũng trao đổi luôn.

Tôi nhìn bài và quay cóp từ bé nên cũng có chút kinh nghiệm.
Hồi cấp 2 tôi có nhìn bài của bạn nhưng quả thực là không có kinh nghiệm gì về việc nhìn bài này. Tôi chỉ xin đứa ngồi bên cạnh cho nhìn bài thôi. Nó thì quay, quay xong nó viết ra và mình nhìn bài nó rồi chép vào bài mình thôi miễn sao đừng để giáo viên phát hiện ra. Nhìn bài bạn thực ra rất bị động, đồng thời nếu nó bị bắt hay không cho mình nhìn bài nữa coi như mình cũng không làm được bài.

Tuy nhiên, lên lớp 8 tôi đã trưởng thành và bắt đầu tự lập. Mình đơn thương độc mã, tự làm tự chịu nên tôi bắt đầu tự quay cóp từ năm lớp 8 khi vào PTCN. Tôi không dám nói là học sinh duy nhất nhưng có lẽ là 1 trong rất rất ít học sinh PTCN quay cóp ngay từ những bài kiểm tra đầu tiên khi học trong trường. Thực ra tôi thấy môi trường PTCN rất phù hợp cho quay cóp, tuyệt đại đa số các bạn đều là học sinh ngoan, có lòng tự trọng cao nên không ai quay cóp mà khi đã không có ai quay cóp thì giáo viên sẽ chủ quan, không trông gắt gao và thế là tôi bắt đầu quay. Tôi có thể “tự hào” khoe với các bạn rằng tôi quay từ năm lớp 8 cho đến khi thi tốt nghiệp đại học mà chưa 1 lần bị bắt. Việc này có bạn Đặng Minh làm chứng. Tôi ngồi cạnh Đặng Minh từ giữa năm lớp 11 và học mấy năm đại học cùng lớp với Đặng Minh.

Không hiểu sao tôi chẳng thể nào học thuộc lòng được các môn như sinh, sử, địa, chính trị.

Tôi học chuyên ngữ những ba năm
Ba năm vật lộn với khó khăn
Chẳng biết do ngu hay trời hại
Môn nào tôi cũng gặp khó khăn
Đến khi kiến thức không còn nữa
Mới biết rằng tôi chỉ cóp quay

nên muốn lên lớp đối với tôi chả có cách nào khác là phải quay. Hồi đầu thô sơ thì tôi đút sách ngăn bàn rồi thò ra thụt vào quay cóp, nhưng cách này rất nguy hiểm, rất dễ bị bắt. Sau đó tôi quay bằng cách khi thày cô chép đề kiểm tra hoặc thi lên bảng, tôi giở sách thật nhanh và xé phần liên quan, sau đó thả xuống nền nhà, lấy chân di đi di lại cốt để cho nó trông bẩn bẩn như rác. Tiếp theo là bắt đầu nhìn xuống nền nhà và chép. Ngày xưa đi học toàn đi dép lê nên việc lật trang bằng chân ko có gì là khó cả. Cách này hơi tốn kém vì sau đó phải mua lại SGK để còn dùng cho các kỳ kiểm tra hoặc thi sau.

Đối với các môn có câu hỏi đề cương, câu hỏi ôn tập, tôi thường làm theo mấy cách sau :

- Chép câu trả lời ra tờ giấy trắng (chỉ chép 1 mặt để tránh hằn lên ko đọc được) bằng bút bi đã hết mực. Khi thi chỉ cần đàng hoàng để lên bàn, nhìn nghiêng là cứ  thế là chép vào bài làm.

- Mua 2 chiếc quạt giấy loại có nan. Nên chọn loại có màu sắc tương  đối đậm, sau đó chép phần trả lời của các câu vào phần giấy giữa các nan theo thứ tự câu hỏi. Ngày trước thi toàn ở nhà UNICEF, không có quạt nên rất nóng, học sinh mang quạt khi thi là chuyện rất bình thường. Nhớ mang 2 chiếc vì đề phòng bị thày cô trông thi mượn để quạt thì đưa chiếc dự phòng ra, kẻo toi.

- Làm phao. Đây là cách quay toàn nhất. Khổ rộng phao nên chỉ 3 - 3,5 cm thôi, sau đó nên gập trước rồi mới chép để tránh có những dòng nằm đúng nếp gập rất khó đọc. Nên tập giở phao bằng ngón tay trái cho thuần thục. Đừng lấy đầu bút tay phải lật phao vì có thể bị thày cô phát hiện. Cách giấu phao như thế nào cũng cần phải trao đổi. Thường thì khi thi có không quá 20 câu hỏi nên đừng buộc tất cả 20 phao này trong 1 bó, rất khó tìm và dễ dính vào nhau. Tôi thường làm theo cách luồn 4 chiếc chun vào 2 cổ chân và 2 bắp tay, sau đó treo theo chiều kim đồng hồ bắt đầu từ cổ chân trái các câu từ 1-5, sau đó treo ở cổ chân phải các câu từ 6-10, bắp tay trái 11-15 và bắp tay phải 15-20. Tôi cũng thường chép lại các câu hỏi ôn tập ra 1 chiếc phao riêng gọi là phao tổng. Khi bắt đầu thi, thày cô sẽ phải chép đề lên bảng, đây là lúc nhốn nháo nhất nên phải tranh thủ giở phao tổng ra và định vị các câu hỏi thi nó là câu thứ mấy và thật nhanh rút các phao thi này cho vào túi. Đừng cho cả vào 1 túi. Nên làm theo thứ tự như câu 1 để túi quần trái, câu 2 để túi quần phải, câu 3 để túi quần sau. Đừng để phao ở túi áo rất dễ bị phát hiện khi thày cô lượn quanh bàn. Thi viết thường chỉ đến 3 câu là cùng. Sau đó thu toàn bộ các phao ko dùng đến cất ngay vào cặp cho an toàn.

Khi thày cô đã chép đề xong và bắt đầu coi thi thì lúc này đừng vội giở phao ra và chép. Khoảng 10 phút đầu trông thi các thày cô thường đang rất xung, rất tinh khi thấy học sinh loáy hoáy. Các bạn cứ để ý mà xem thường quay cóp rất hay bị bắt lúc lục tục giở sách, giở phao trong độ mươi phút đầu thôi. Đừng vội, muốn nhanh thì phải từ từ mà. Lúc này là lúc nên thong thả chép đề xuống bài làm cứ như là mình bắt đầu làm bài. Sau đó lựa tình hình mà giở phao ra và chép thôi, khi chép nên thỉnh thoảng nhìn thẳng vào mặt thày cô ra điều suy nghĩ. Mặt phải tỏ ra hơi ngu ngu ngơ ngơ, đừng mắt la mày lét. Tôi ko hiểu sao chứ khi 2 ánh mắt gặp nhau mà mình lại là người chủ động nhìn thẳng vào thày cô là thày cô thường “lảng” nhìn đi chỗ khác, như vậy mình quay sẽ được an toàn hơn. Khi thày cô lượn đi các bàn và đến bàn mình đừng ngồi ko viết gì, lúc đó cứ viết đại ba lăng nhăng cái gì cũng được sau đó xóa đi sau vì thày cô sẽ nghi mỗi khi xuống chỗ mình thì ko thấy viết gì sau đó vừa mới đi được mấy bước lại thấy viết lia lịa.

Tôi viết ra kinh nghiệm quay cóp của tôi nhưng các bạn đừng phổ biến cho các con nhé vì ở các kỳ thi quan trọng nếu quay cóp mà bị bắt coi như xong. Quay cóp cần phải luyện tập, không thể 1 sớm 1 chiều mà thành được. Quay cóp có khi thích hợp nhất là khi học đại học trong nước.

Chẳng dám chúc thành công, chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho vui thôi.


NĐH (K13A)

Tuesday 29 May 2012

Khi con ham chơi games (2)

Con cái ham chơi games – là phụ huynh chúng ta nghĩ gì ?
(Tâm sự của người bố từng là “game thủ”)


Phần 2: Chân dung cựu game thủ chuyên nghiệp

Game online phát triển mạnh tại VN từ tháng 6/2005 với Võ lâm truyền kỳ (VLTK) , hàng triệu người chơi, hàng trăm nghìn tiệm net mọc ra, chủ tiệm net, công ty quản trị games….ai ai cũng ăn nên làm ra trừ các game thủ bắt đầu trở thành con nghiện, bỏ vợ bỏ con, bỏ học, hàng trăm tỷ đồng trở thành giờ chơi game, đồ ảo, sức khỏe suy mòn vì cày games… Tệ nạn phát sinh. Lúc này game online (qua đó là cả các games đã tồn tại từ trước bị qui cho là Nguyên nhân của mọi vấn đề xã hội, nhất là với con trẻ).

Tháng 7/2005 khi chưa đầy 10 tuổi, con trai mình bắt đầu theo đuôi mấy anh chơi VLTK rất say mê. Là người cha mình quyết tâm tìm hiểu VLTK là gì mà có sức lôi cuốn cả xã hội như vậy và cũng trở thành game thủ như ai từ 9/2005. Hồi đầu còn ra tiệm net chơi cho xôm tụ (lúc nào cũng đầy kín và 99% chơi VLTK đủ mọi lứa tuổi), sau này do con mới 10 tuổi lại còn đang đi làm nên đưa lý do này để “mị dân” và trang bị ADSL tốc độ cao, 4 máy tính tại nhà 2 cha con cùng chơi và mời cả bạn đến nhà chơi….

Sau khi đầu tư xong “cơ sở hạ tầng” là bắt đầu vòng quay của cuộc chơi. Dù luôn tự vấn lương tâm là mình chơi games là để giáo dục con biết kiềm chế/self control, là chơi cho vui/giải trí chứ không “nghiện”, là không ảnh hưởng đến công việc, gia đình và sức khỏe cá nhân, nhưng đến hôm nay có thể nói thật lòng đó chỉ là “lý do biện hộ của các game thủ”.

Cũng thức đến 1-2 h sáng để cày lên cấp (Thứ 7/CN có thể đến 5h sáng), cũng tham gia chiến trường Tống Kim để chiến đấu vì Bang Hội, offline hàng tuần vô bổ để nghe các Bang chủ, Trưởng Lão, Đội trưởng và các thành viên Bang bàn bạc về chiến thuật thi đấu, về các kỹ năng/tuyệt chiêu games và cả những nhân vật/món đồ ẢO được giao dịch với giá cả tỷ đồng VN THẬT, đi liên hoan sau chiến thắng của Bang v.v.. Các thành viên trong Bang thì bất kể thành phần, từ các anh tuổi >50 với địa vị XH cao như phó TGD cty thành viên PetroVN đến các cháu (trong games nó gọi mình = anh) tuổi 18-20. Đa số là sinh viên ĐH từ tỉnh lên thành phố học và các thanh niên tuổi 20-35 làm công việc tự do, buôn bán (có thành viên con đại gia rất giầu, có account trị giá > 1.5 tỷ đồng). Về sau mới thấy tác hại ghê gớm của games khi sinh viên bỏ học, bị đuổi học, sa vào cạm bẫy xấu để có tiền chơi game…

Sáng đến công ty thì mệt nhoài vì cày game khuya quá, lại yêu cầu lắp riêng đường direct line (không qua hệ thống chung của cty) cho sếp chơi game mới ghê chứ (thời gian này mình đã quyết định chuyển ra làm ngoài nên ở lại cty 12 tháng để tiếp tục đào tạo thế hệ kế cận theo cam kết với tập đoàn, không tham gia nhiều vào day-to-day work). Vì là sếp nên ko ai đuổi việc.

Về nhà thì 2 cha con lao đầu vào máy tính, ăn uống sinh hoạt lung tung và tất nhiên là bà xã rất, rất buồn phiền. Mặc dù luôn lấy quyền làm bố để bắt con đi ngủ lúc 11h để sáng hôm sau đi học nhưng bản thân thì lại ko gương mẫu… Dù kiếm khá nhiều tiền THẬT từ game ẢO nhưng cũng bỏ ra không ít tiền để đầu tư ẢO…, tuy không đến mức “ngu nặng” để bỏ ra hàng trăm triệu mua đồ ảo nhưng cũng bỏ cả hàng chục triệu mua đồ/vũ khí ảo làm quà tặng sinh nhật cho con trai.

Cứ thế cuộc sống trôi qua lẫn lộn lung tung giữa thế giới ảo và thật cho đến cuối năm 2007 (khoảng 2 năm chơi tích cực), bắt đầu thấy…chán và chơi cầm chừng. Đến giờ này thì cậu con trai 12 tuổi gần như cũng buông đao gác kiếm với Võ Lâm Truyền Kỳ để chinh chiến ở game mới (Thế Giới Hoàn Mỹ, Thiên Long Bát Bộ v.v.), chỉ còn lại một mình và sau nhiều tháng dặt dẹo với games, ngày chơi 2-3 tiếng, không thức đêm hôm nữa, quãng 2008 tôi chính thức “giã từ vũ khí” do bận công việc + chán game + cảm thấy không ổn về sức khỏe & gia đình. Sau đó khoảng 1 năm có giở ra chơi lại theo kiểu phong trào, lần này hoàn toàn chơi giải trí, tuy nhiên cũng chỉ được vài tháng thì tổng kết tài sản bán được khoảng 5 triệu và đem accounts đi cho. Kết thúc khoảng 3 năm chơi games như 1 game thủ chuyên nghiệp (with intervals).

Cũng từ đó bố thì không chơi game luôn, con thì sau qua trải qua những thử nghiệm xương máu cũng quyết định games là trò chơi, không có người đồng hành (là bố) nên cũng dần dần bỏ games online. Thay vào đó là tiếp tục chơi offline bằng Playstation, X-Box cho đến ngày nay. Hiện nay tôi không chơi game nữa còn con trai (tuổi 17) thì ngày nào cũng chơi (như đã tâm sự với các bạn), tuy nhiên không có cảnh thức đêm hôm cày game, ngày chơi khoảng 2 – 3 tiếng trước và sau khi học bài. Khi cần thì vẫn bỏ games đi du lịch mà không quá nhớ nhung (vì có Ipad, Kindle Fire mang theo), tóm lại lúc này games với con đã thực sự là một trong nhiều thú giải trí bên cạnh thể thao (bơi, bóng rổ, đá cầu), xem đá bóng cùng bố mỗi tối thứ 7 & CN, xem phim, đọc sách…Games đã không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, xã hội, sức khỏe, học hành vì con trai đã self control đối với games.

Được và mất

Trên phương diện sức khỏe: việc đam mê game, sinh hoạt không điều độ đã làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôi trong giai đoạn 2006-2007, ốm vặt liên tục. Đến giờ nghĩ lại mới thấy mình “ngu” vì không tự kiểm soát được. Thành thực khuyên các bạn hoặc có con đang chơi games giống bố con tôi hãy xem lại mình mà cố gắng có điều chỉnh hợp lý kẻo muộn. MẤT.

Trên phương diện gia đình: sợi dây kết nối chung trong gia đình bị games cắt đứt, 2 bố con ít khi chơi với mẹ, cũng ko còn nhiều thời gian cả nhà ăn bữa cơm đàng hoàng, nói chuyện XH ngoài chuyện games. MẤT

Sợi dây kết nối 2 bố con khăng khít hơn, hiểu nhau hơn và thực sự qua games đã trở thành bạn tốt của nhau. ĐƯỢC.

Trên phương diện tài chính: thu nhập của gia đình không bị ảnh hưởng vì vẫn có thu nhập bình thường từ công việc và đầu tư. Riêng trong năm 2006, kiếm được khoảng > 30 triệu VND từ games ảo và chi ra khoảng 20 Triệu, tuy nhiên chi phí đầu tư máy móc, ADSL .v.v tính ra là vẫn lỗ. MẤT

Trên phương diện giáo dục con cái: Game mang lại nhiều kỹ năng cho con trẻ kể cả IT và học tiếng Anh. Bằng games đã dậy được con trai từ khi 10 tuổi phân biệt được thế nào là “quân tử - tiểu nhân – lừa lọc – tình bạn – niềm tin –quyết tâm chiến thắng – chiến thuật  v.v.”
Khi mới chơi bữa đó về nhà nghe cậu ta khóc vì quá tin 1 thằng trong games đến nỗi đưa luôn account cho nó + password, sau đó bị lột sạch đồ, vũ khí, tiền ảo…bài học đứa trẻ nhận được là trong xã hội có người tốt người xấu, cần tỉnh táo & sáng suốt chọn bạn mà chơi. Thêm bài học nữa là kinh doanh trên games, lúc nào mua vào, mua gì, đầu cơ, lúc nào bán ra thu lời v.v. Theo tôi nếu chỉ ngồi nói chưa chắc đưa con 10 tuổi có thể tiếp thu được được những bài học “trường đời’ như trên mà qua hành xử games đã có thể giáo dục giới tính con trẻ. ĐƯỢC (tuy nhiên có thể giáo dục theo phương pháp khác tốt hơn)

Chia sẻ quan điểm

Câu chuyện trên là thật 100% vì đó là chuyện của tôi và con trai. Tùy các bạn cân nhắc xem nên “xử lý” vấn đề chơi game của con như thế nào. Nếu được làm lại thì tôi vẫn lựa chọn tham gia vào chơi cùng con trai mình qua đó có điều kiện gần gũi, hiểu con và giáo dục con tốt hơn, có chăng điều không nên lặp lại là trở thành game thủ chuyên nghiệp trong gần 3 năm để phải “trả giá” khi không hoàn toàn kiểm soát được games, được mình (điều mà các bạn gọi tôi là “chuột bạch” làm thí nghiệm để dạy con).

Chắc chắn các bạn sẽ có nhiều phương pháp tốt hơn để giáo dục con cái trong chuyện chơi games, tuy nhiên, cũng mong các ban cân nhắc ý kiến của tôi về chơi Games ngày nay: a/ là thực tế hiển nhiên trong quá trình phát triển của xã hội và CNTT, b/ chấp nhận nó và cố gắng hạn chế tiêu cực của nó và hướng đên các yếu tố tích cực (nếu có), c/ hoặc chí ít cũng coi nó GAMES – Trò chơi giải trí.

Nếu làm tốt được điều này chắc chẳng còn phải lo lắng nhiều về chuyện con chơi games hay không.

Chúc các bạn thành công.

TNH
Tháng 4/2012


Saturday 26 May 2012

Khi con ham chơi games


Con cái ham chơi games – là phụ huynh chúng ta nghĩ gì ?
(Tâm sự của người bố từng là “game thủ”)


Phần 1: Nhận thức về games.
Chào các bạn,

Nếu tra cụm từ “con cái mê games hơn học – phụ huynh xử lý ra sao” trên google chắc sẽ có rất nhiều “bài học, lời khuyên” mang tính lý thuyết. Tôi nghĩ sẽ có sức thuyết phục hơn nếu chia sẻ “kinh nghiệm thực tế” cho diễn đàn của chúng ta.

Bài này có lẽ phù hợp hơn với các phụ huynh có con trai chơi games (vì con gái thường có có đam mê khác), tuy nhiên, vẫn có cái chung là sự thay đổi và nhận thức về hobby của các thế hệ cũng đã thay đổi đáng kể qua các thế hệ.
Ta bắt đầu nhé!

Nhận thức về games

Bây giờ trẻ con chơi game cũng tương tự thế hệ bố mẹ chúng nó quên ăn, quên ngủ, quên/trốn học… để chơi bi, chơi khăng, đá cầu, đá bóng, ô ăn quan, chơi chuyền v.v. ở thời đại chưa có IT games. Có chăng có thể “biện minh” việc ham chơi thế hệ trước là “lành mạnh, là thể thao, vận động” còn games hôm nay là “bạo lực, không vận động, ngồi lỳ cả ngày v.v.”. Nếu trẻ ngày nay đi bơi, đá bóng, tóm lại là chơi những “games vận động” như cha mẹ chúng nó từng bị ông bà mắng trước đây thì chúng ta lại tự hào đi kể với bạn bè là con mình chịu khó rèn luyện thể chất, sức khỏe. Có lẽ chẳng ai khoe con mình chơi games trừ khi nó đoạt giải vô địch châu lục hay thế giới trò chơi Warcraft hay MU chẳng hạn.
Vậy đây liên quan đến nhận thức về games qua các thời đại.

Nếu đã xác định games hôm nay là điều không thể “tránh khỏi” với con trẻ nếu ko muốn bị các bạn “chọc quê” tại trường học, bị cô lập, có thể dẫn đến tự kỷ do “ko biết những điều mà cả lớp biết và làm” và có nhìn nhận games theo hướng khách quan hơn để có kiểm soát, chúng ta có thể thấy các yếu tố “tích cực” mà games có thể giúp các ông bố bà mẹ (quá bận rộn kiếm ăn) mang lại những bài học cho cuộc sống: giao tiếp, đối nhân xử thế, lừa lọc, không quân tử, nhanh tay nhanh mắt phản xạ v.v. và cả các bài học đầu tiên về tài chính, thương mại … thông qua các giao dịch trong games.

Tôi thuộc nhóm phụ huynh chấp nhận games: a/ là thực tế hiển nhiên trong quá trình phát triển của xã hội và CNTT, b/ chấp nhận nó và cố gắng hạn chế tiêu cực của nó và hướng đên các yếu tố tích cực (nếu có), c/ hoặc chí ít cũng coi nó GAMES – là trò chơi giải trí.

Nhìn lại mình để nghĩ đến việc con chơi games - đây cũng nguyên tắc mình định chia sẻ trong chuyên đề: Nói chuyên với con cái tuổi teen – dễ hay khó? Tức là luôn đặt ra câu hỏi và cố gắng nhớ lại “lúc bằng tuổi con bây giờ trước đây mình nghĩ gì và xử lý ra sao” để cố gắng hiểu con.

Khi đi học, tôi thuộc diện ham chơi nên trò nào cũng biết. Đi học ĐH ở Nga khi có điều kiện đã làm quen với công nghệ cao và với IT games thì có thể kể đến Nintendo từ những năm 80 thế kỷ trước, thâu đêm suốt sáng Bắn xe tăng, chơi Tetris (xếp gạch) hay Mario cứu công chúa. Học xong ĐH thì có giai đoạn ko chơi games , kể cả games trên PC, sau này chơi game khi rảnh rỗi và giải trí… cho đến khi con trai bắt đầu chơi games.

Cũng như bao bố mẹ, chính vợ chồng tôi là người “đưa đẩy” con mình đến với games từ khi con còn nhỏ qua việc mua các đĩa trò chơi để con “rèn luyện trí thông minh” trên PC (chắc bạn nào cũng đã từng làm vậy). Có hôm phải lừa mãi cậu nhóc 3-4 tuổi mới chịu ngồi chơi. Sau đó là các games trên PC, mua Playstation, Wii v.v. để cùng con chơi offline, hò hét ầm ĩ ai cũng vui.

Xin xem tiếp

TNH
04.2012

Tuesday 22 May 2012

Ngôi nhà của chúng ta


Chào các bạn,


Blog này là ngôi nhà của tập thể cựu học sinh K13 - Phổ thông trung học Chuyên Ngoại ngữ - thuộc Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội - nay là Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Đây là nơi chúng ta giao lưu vui vẻ, lưu lại những khoảnh khắc khó quên của một thời đi học vô tư, một thời thanh niên sôi nổi, những giây phút ấm lòng của tình bạn. Đây cũng là nơi chúng ta chia sẻ tâm sự về cuộc sống, về tình yêu và hạnh phúc, về tình bạn cao quý, về giáo dục và hướng nghiệp cho con cái, về ... không thể kể hết được.

Mời bạn ghé thăm nhà. Bạn có thể để lại những dòng nhận xét, những bình luận về mọi chủ đề trong blog. Bạn cũng có thể viết bài và gửi vào địa chỉ k13cnn@gmail.com, để Ban biên tập đăng lên đây.

Xin bạn lưu ý khi bình luận hoặc gửi bài:
- Đề nghị bạn viết bằng tiếng Việt có dấu. Ngoại lệ: những bạn ở nước ngoài, có khó khăn khi gõ tiếng Việt có dấu;
- Tôn trọng người đọc, không dùng từ ngữ dung tục, không đưa những nhận xét có tính xúc phạm cá nhân;
- Không viết những điều có tính bài xích tôn giáo hay quá khích về chính trị.

Chúc các bạn có những giây phút vui vẻ, thoải mái khi thăm ngôi nhà của chúng ta, K13 Chuyên Ngữ thân thương!

BBT



Sunday 20 May 2012

K13-CNN: Gặp mặt 18.05.2012

(Phan Linh Cẩm)

Chiều hôm qua khi đưa con đi học thêm và chạy luôn đến Nhà hàng Sắc Biển, sớm 15' thì đã thấy Nhung ở đó, vì Nhung đi thẳng từ cơ quan đến, không về nhà để ông lớn, ông bé khỏi đòi theo. Một lúc sau Hoan xuất hiện, rồi đến các bạn khác.
Những người đúng giờ nhất!

Quỳnh ra tay chỉ đạo xếp chỗ ngồi, cốt để "chiếu tướng" Hải

Câu chuyện bắt đầu nở như ngô rang

Vinh tuy đã đến nhà hàng K.Lan mấy lần nhưng vẫn phải hỏi lại mình số nhà. Ấy thế mà khi Tuấn, người đã phải bỏ lỡ buổi gặp sau 30 năm lần trước, hỏi đường, Vinh đã chỉ bằng một giọng rất quan chức (theo nhận xét của HAT), còn mình thì thấy giọng Vinh luôn có vẻ trịnh trọng như thế.
Tay trên tay dưới, hay là tay trước tay sau!
Đối thoại cùng doanh nghiệp
Khốt đến cùng Vượng, lần này lại một cặp đôi hoàn hảo, vì cả hai cùng mặc sơ mi trắng, làm ai cũng nhớ đến chi tiết hôm lễ kỷ niệm, Vượng đã mua vải đỏ, để may đồ cả ngoài lẫn trong ... nội y (theo lời Khốt), nhưng vẫn nhớ để lại cho Khốt một dải vải làm cà vạt. Các bạn nữ quấn quít quanh Khốt làm Vinh ghen tỵ, vì tuy Khốt bụng to thế, nhưng với tài thơ và sự nhiệt tình nên vẫn được bao người, trong đó có mình hâm mộ.

Khi Khốt mở lời, ai cũng phải cười
Hào hứng!

Chai rượu của Hoan được khui ra, do Khốt bê, và mình vít cần để rót. Bù lại Hoan được trao nhiệm vụ đứng lên ghế, để điều chỉnh bằng tay sự lên xuống của cái ...  quạt gió máy điều hoà, cho nồi lẩu bằng bếp cồn (lại có vần chúng ta đã đưa vào email).

Hoan ơi chai của ông to thế!

Bích Vân cũng chỉ muốn nghe những bài lãng mạn như Phượng Tím của Khốt, nhưng giữa ồn ào phố chợ, Khốt đành hẹn Vân lần sau. Vân hôm nay thật trẻ trung, duyên dáng, với mái tóc cắt tém từ hồi chuyên ngữ, nên trông không thay đổi gì. Vân lại còn trông rất sexy của phụ nữ tuổi U50 mới chết chứ.


Vân Hồng trên diễn đàn thì tung hoành ngang dọc là vậy, mà ngoài đời lại rất dịu dàng, duyên dáng.

Cười xả láng nhé!
Nhi cũng vậy, sau khi khuấy động phong trào với vai trò trong ban tổ chức, Nhi lặng lẽ lùi lại sau cho các bạn thể hiện. Nhi bắt Thái Hà ở nhà để trông con, và nói một cách rất chủ quan là Thái Hà chỉ quen chém gió trong giới đàn ông thôi. Sau khi nghe mọi người nhắc lại chuyện con rận trên râu ông nhạc trưởng, Nhi mới thốt lên, hoá ra Thái Hà cạo trọc để rận chẳng còn chỗ đậu.

Thái Hà có đoán được Nhi đang kể chuyện gì không?

Duy Hải hiện ra trong sự ngỡ ngàng của mấy bạn lớp B. Mình cứ trách Hoan chỉnh ảnh quá mạnh tay, vì trong tác phẩm của Hoan, trông Hải rất hùng dũng, đẹp trai, mà bên ngoài lại rụt rè, nhút nhát. Hoá ra Hoan đúng là bị oan, như vần oan có trong tên, Hoan đã chộp được nét xuất thần của Hải, cũng như không thể không nhắc tới tay nghề chụp ảnh tuyệt cao của Hoan, chứ ảnh chẳng chỉnh sửa gì cả. Hải như thế vì bị Quỳnh bắt ngồi đối diện, mà Quỳnh lại bắt nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên, làm Hải mất hết cả tinh thần.
Hôm nay Hải có vẻ kiệm lời, hay là mấy ngày đọ thơ nên mệt

Mình hỏi Hoan là Hải làm nghề gì mà giỏi thơ phú đến vậy, không biết có phải dậy ở khoa văn như Phong không, thì Hoan bảo tuy tuần nào cũng làm vài trận tennis với Hải nhưng chẳng rõ Hải làm gì. Thế mới thấy những người sáng tác như Hoan thường sống trên mây thế nào. Khốt bảo hôm nay tụ tập chỉ vì mình quá mê Hải, nên kéo mọi người theo để làm nền. Nhờ thế nên mình đã khai thác là Hải là kiến trúc sư và rất có hiếu khi nâng giấc mẹ ốm. Có phải từ thiên nga chỉ các bạn nữ cũng xuất phát từ Hải khi Hải nhắc đến hai con gái không nhỉ?


Quỳnh vẫn thế, đúng như miêu tả của Hoan là to gấp đôi, và ồn gấp ba. Mình ngu ngơ vẫn đinh ninh là Hoan nhắc đến tính tình ồn ào, nhiệt huyết của Quỳnh, hoá ra Hoan chơi chữ vần ồn. Khai sì im lặng và chỉ lắc đầu, nhìn mình khi bảo Cẩm ơi ngây thơ quá.

Cười chưa đủ, phải vỗ tay nữa mới đã!

Khốt bắt Khai sì đến buổi tụ tập để lấy tài liệu cho con, nên bị các bạn công kích là tuy làm trong lĩnh vực IT, mà chẳng biết về email, blog. Cũng giống như Đặng Minh quan chức, không biết sử dụng email. Quỳnh cũng tra Vinh xem chắc chắn các email Vinh gửi không phải có sự đóng góp của thư ký.
 
Phương đến muộn vì mãi mới xong việc cơ quan. Nhìn Phương mình hạc, xương mai, trắng trẻo, xinh đẹp hẳn lên, làm mình mới thấy câu anh Thép chồng Phương cứ ca ngợi, chỉ muốn vợ giống vợ Hoan đã có tác dụng. Hoan ơi, mình muốn gặp vợ Hoan quá, mà vợ Hoan cứ nhè lúc này để đi công tác thôi.

Nhung thì thâm trầm ít nói, hay cười tủm tỉm khi nghe các bạn chém gió, thỉnh thoảng mới tung ra một câu, nhưng câu nào cũng sắc sảo chết người.



Cả hội lại ngồi nói lại những chuyện đã trao đổi trong email làm ai cũng cười đau hết cả ruột, nước mắt dàn dụa. Hoá ra lần này cũng chỉ những người tích cực trên diễn đàn mới tới. Nhân viên nhà hàng của Kim Lan cũng phát sợ vì sự to mồm của bạn bà chủ.




Hoan rất chu đáo: khi lần trước đi chơi, con của Minh Hiền nói thích ăn lương khô của Trung quốc, nên lần này Hoan liền kiếm ngay một thùng sắt lương khô mang tới. Để nhớ lại thời kỳ bao cấp, ai cũng lấy một thanh lương khô mang về. Trông Quỳnh trong ảnh, tay cầm thùng lương khô một cách hùng hồn như vậy, nhưng thực ra là lấy chia cho các bạn.

Con mình đi học thêm về, ghé qua, và thốt lên, các cô, chú nói chuyện gì, con không hiểu, làm chú Khốt phải nói, nếu một đứa lớp 2 như con đã hiểu, thì con phải quá bậy, hay các cô chú đã bị nhũn não vì tuổi già, nên toàn nói ngọng luyên thuyên. Kim Lan do vậy phải để con gái đã học lớp 6, lại có tác phong rất người lớn, ở bên ngoài bàn tiệc, cho cháu khỏi bị đầu độc.

Công cuộc miêu tả đến đây tạm dừng, mình có bỏ sót điều gì, mọi người nhớ bổ sung nhé.

Cẩm


--------------------------



(Phạm Duy Hải)

Chào các bạn!
Tối hôm qua thật vui, tôi cười chảy hết nước mắt.
Phải nói rượu ngon, thức ăn ngon, ảnh ngon, và sự vui trong các câu chuyện trao đổi cũng rất ngon.
Giá mà hôm qua nhiều bạn tham gia hơn nữa chắc phá tan cái nhà hàng đồ sộ của Kim Lan mất!
May mà hôm qua tôi biết thân biết phận, ngoan ngoãn nên Quỳnh thương. Cũng đi được về được, không đến nỗi phải nhờ Kim Lan tìm cho Nạng hay Cáng.
Cẩm vẫn phúc hậu giống bà bán bún chả đầu phố nhà tôi,( nói là bà nhưng thực ra mới ngoài 20 tuổi, và mỗi khi tôi vào ăn toàn gọi tôi là chú)...nhưng đẹp hơn nhiều, hiền và thật thà hơn, cái tài viết bài nhanh và hay thì còn lâu cái bà bán bún chả đó mới bằng. Cẩm làm tôi tủi thân khi mang cậu con trai (trộm vía: cứ như mấy đứa bé quảng cáo sữa trên TV).
Một mình má, một nồi to

Hùng khốt khi cần thì chẳng thấy đâu, bỏ bạn bè lúc khó khăn, nhưng thấy ăn đến rất sớm, nấp trên ô tô,chờ mọi người đến đủ mớí vào. Ôm chai rượu của Hoan như khoác vai thằng bạn vì tôi thấy Hùng khốt và chai rượu cũng không khác nhau là mấy về kích cỡ. Rõ ràng Hùng đứng mà tôi cứ ngỡ Hùng ngồi...
Vinh làm tôi ấn tượng với cái đầu bóng mượt, hất ngược ra đằng sau, đen nhánh và tôi tin rằng có gió bão cấp 12 cũng đừng hòng làm hỏng nếp tóc trên đầu Vinh, ngôn ngữ khẩu khí làm tôi chột tưởng mình đang ngồi cạnh sếp, chẳng may lỡ lời thì thôi xong.
 
Quang Hải đến sau 1 chút... nhưng hình như không nhận ra tôi...
Hồ Tuấn vẫn không quên cái chất hàn lâm sẵn có,đáng lẽ ngày xưa Hồ Tuấn phải học bách khoa mới đúng... Ai dám nói Hồ Tuấn có thể làm thơ hay như thế. Có thể do chất đại bàng luôn muốn giúp bạn lúc nguy nan mà Hồ Tuấn không đằng đừng mà xông vào chăng?

Hoan hơn đứt mọi người cái khoản nhanh nhẹn, luôn luôn quan tâm, chăm sóc đến các bạn, được tiếng là hoạt ngôn mà hôm qua phải nhường sự lợi khẩu cho Hùng khốt! vì Hùng khốt cứ có Vượng là như lên đồng trong cái sự phát ngôn làm mọi người cười nghiêng cười ngả ...

Nhung ăn rất ít vì thỉnh thoảng lại liếc Hồ Tuấn tủm tỉm...
Phương đến sau Quang Hải... tôi lại cứ tưởng 1 siêu linh tinh..(hề hề nhầm:siêu minh tinh)  đi lạc vào. Ôi Phương ơi, sao thời gian chẳng có tác dụng gì với ngoại hình của bạn thế.

Nhi bước vào trước Phương một chút. Nhìn Nhi tôi nhận thấy Vinh cứ tặc lưỡi liên tục, nói nhiều hơn, tay cũng vung nhiều hơn..  Chà chà... tôi thấy có lẽ trong anh em chuyên ngữ khóa 13, Thái Hà là người son nhất.

Vượng mới đúng là mình hạc xương mai như Cẩm nói. Trông Vượng tôi thấy vui như khi tết về mà sắm được cây đào thế quí hiếm. Đi với Quỳnh làm tôi nhớ đến 2 nhân vật khá nổi tiếng trong chuyện tranh của bào Thiếu niên tiền phong ngày xưa: đó là Bút thép và Bóng Nhựa. Vượng ơi, Vượng như người nhà Trời được phái xuống đây để dạy cho đàn ông chúng tớ biết thế nào là trẻ trung, xinh đẹp.


Bích Vân: Cẩm nhận xét vẫn sexy là rất tinh... tôi cũng thấy và nghĩ thế. Mỗi tội đang khi mọi người bàn về thơ ồn ào lại cứ nhìn ra cửa sổ để ngẫm về bài Phượng tím của Hùng khốt. Thực tế ai mà biết được thất sự những gì đang diễn ra trong đầu Bích Vân.


Kim Lan tuy ngồi với chúng tôi nhưng vẫn không rời ra được cái nét oai oai của bà chủ quán, cộng thêm ánh mắt len lén của nhân viên mà cả bọn trong đó có tôi thấy mình được lây cái sự oai ra phết.

Hồng vốn là người tôi hâm mộ từ lâu, 30 năm nay mới được thỏa lòng khi được chụp ảnh chung với Hồng lúc chia tay.

Người mà tôi muốn kể dài nhất là Quỳnh nhưng tôi không dám. Vì Quỳnh làm tôi liên tưởng đến các chị mậu dịch viên bách hóa, thực phẩm ngày xưa.. Nhỡ chẳng may để các chị phật lòng là coi như... đói! Nhưng ở Quỳnh toát lên cái thần  lạ lắm, Tôi thấy Quỳnh rất đúng với câu thơ miêu tả nhân vật của cụ Nguyễn Du:... Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao? Hôm nào chắc phải nhờ Hoan tìm hiểu giúp tôi thực đơn hàng ngày của Quỳnh mới được...

Tạm biệt, hẹn gặp lại!
Thấy Cẩm, Hùng khốt có bài phóng sự quá hay, tôi cũng ngứa ngáy làm bài cảm nhận của riêng mình trong buổi liên hoan, mong các bạn bỏ qua nếu thấy không vừa lòng với suy nghĩ hết sức chủ quan của tôi.. Nhưng tôi yêu quí ai thì mới viết về người ấy, đùa với người ấy.
Hết sức chân thành!
Best regard!
Phạm Duy Hải


(Ảnh trong bài: Hoan)