Pages

Sunday 18 December 2011

CHIẾC HỘP BÍ MẬT (Đỗ Mạnh Hùng)


(Đỗ Mạnh Hùng - K13B - Chuyên ngữ SP)

       Kính tặng các Thầy cô giáo và các bạn K13 chuyên ngữ
       Phỏng theo: tản văn "Chuyên ngữ - một thời để nhớ" của Phan Linh Cẩm K13B

Chắc mọi người không biết
Trên tủ nhà mình có chiếc hộp oai phong
Chiếc hộp cũ niêm phong
Hiên ngang loang màu năm tháng
Nhìn chiếc hộp vợ, con và nhiều người võ đoán
Rất muốn mở ra xem sau những tháng năm dài….
 
Một ngày mưa sau Tết 82
(âm lịch, Bà Khốt nhớ là mùng năm tháng hai)
Giọng cô Việt dặn dò trầm ấm dịu dàng như người mẹ
Ta xa quê - lẻ loi với cả phương trời lạ
Viết thư về,  có: Cầu Giấy, Đồng Xa…
Tàu điện leng keng đón ta khi vừa bước khỏi nhà
Có bước chân cô Dung ngoài hành lang, lớp im phăng phắc
Nuôi Hiệp, nuôi Phương Cô chủ nhiệm mình nghiêm khắc
Tấm gương của cô là bài học đầu tiên cho ta nghị lực bước vào đời..
Là  cô Hằng, cô Hiền, cô Thu khuôn mặt rạng ngời
Nói tiếng Nga, IK, giọng như suối chảy
Là thầy Thụy giải toán khó như thường thấy
Là mùi nước hoa, là cách quay người điệu nghệ
Là cô Chung dậy hóa rất nghiêm, là thầy Thung  bệ vệ
Học sinh chúng em láo lếu, tìm các dấu…để ghép tên thầy.
 
Trong chiếc hộp của anh
Có dáng cô Chung địa hao gầy
Cô Thủy dạy văn về truyền thuyết các thần
Sau này không nghe ai nói hay đến thế..
Còn bố Thu thì bao dung như thể
Sinh ra các con, giọng nói nhân từ..
 
Trong chiếc hộp của anh
Nắp hầm thì cứng, rau cải xoong nấu nhừ
Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu (*)
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…
 
Là tháng ngày trôi đi
Kim Lan học nhanh, ngủ vụng, hát thầm
Vũ Hà hát mèo đánh Tây - thành “Hà mèo” từ đấy
Kim Thanh, Lan Phương phổng phao trông thấy
Ngọc Lan làm liêu siêu khóa trước, những anh hào…

Trong chiếc hộp của anh
Kỷ niệm rất ngọt ngào
Chọn lọc tự nhiên, bạn bè gán ghép:
“Nam Cúc”, “Sơn Hà”… đọc lên đanh thép
“Long Thúy”, “Hải Hoa”… như Lý Thường Kiệt viết thơ thần..

Kỷ niệm ngày xưa như xa, như gần
Loan Anh bị phê bình lãng mạn
Mai Hoa viết thư chú bộ đội đảo xa, nên học hành chểnh mảng
Ngọc Điệp  ngày xưa, cán sự chính trị nên rất nhiều nền tảng
Hường bút chì xinh hơn, nữ tính đến không ngờ
Hồng Hà cẩn thận, Hà “phích” giỏi toán bạn được nhờ
Lớp trưởng Ngân Hà  tóc bồng bềnh duyên dáng
Hải khai sì - thi đại học mười phẩy năm môn toán
Lê Dung chữ đẹp, Quỳnh Giao hồn nhiên
Thanh Hà, Lan Anh, Minh Tú, Lệ Anh ai cũng bảo hiền
Mai Hương, Phương Nga, rồi Cúc, rồi Huyên…
Hùng đẹp trai như một con bài
Duy Tiến, Anh Tuấn, Hùng khốt, Sơn Trạc - anh tài
Ăn trộm dưa lê, dân Đồng Xa bắt được
Cùng năm tháng lớn lên theo chiếc roi thầy Hoạt
Vinh dog oai phong phát triển vững bền…
Nào giáo sư Phong kính trắng dáng hiền
Chẳng thích bon chen, đi vào văn học…

Nam đất học Thủy lợi xong mất tiêu,
Tốt nghiệp Đại học Y –Long khẹc
Ở Quốc Oai - sếp bảo hiểm một vùng
Nào Linh Cẩm hai bím tóc kết sau lưng
Nào Hương Lan tính vẫn ương như họ
Ai bảo Thúy còi ở Đội Cung cho bạn bè xiên xọ
Tuyến bác học cần cù luyện giọng, giường rung
Từ khi học lớp phó Liên đã bộc lộ tài năng
Nhiệt tình, sát sao chia tem, chia phiếu
Hà Bắc, Kim Lan, Phương Lan đã tỏ ra có khiếu
Hoạt động phong trào, năng động từ xưa…

Trong chiếc hộp cũ kia
Có nhớ cơn mưa
Tưới phượng bằng lăng
Nhưng không dập nổi dãy nhà lửa cháy
Tôi gom những mảnh mê-ca từ ngày xưa ấy
Cặm cụi làm nhẫn, lược vụng về chưa biết tặng ai? (**)

Và bí mật kia theo ta suốt tháng năm dài…
Nằm trong chiếc hộp kia là kỷ niệm tuổi trẻ một thời chuyên ngữ….
 
                                                                     Hà nội, cuối năm 2011.
                                                                     Đỗ Mạnh Hùng

(*)  Tụi nội trú hồi đó bị ghẻ, nhiều đứa bôi thuốc ghẻ màu xanh (xanh mêtylen thì phải) khắp người như hoa gấm, nên hay bị trêu là người Việt gốc hoa.  
       (HAT) - hi hi, thì ra vậy. Nhưng tớ vẫn tạm thời chưa dùng chữ "gốc hoa" nhé.
(**) Hồi dãy nhà tranh bị cháy, cửa sổ dãy nhà UNICEF gần đó bằng mê-ca nên bị rộp, hỏng, nghe nói Long lấy mê-ca làm nhẫn tặng Thúy, Vinh tặng Thanh, Hùng rô tặng Ngọc Lan ... tôi cũng nhanh tay lấy được 1 khúc làm nhẫn và lược để vào chiếc hộp bí mật ... để lưu niệm 1 thời chuyên ngữ và là tiêu đề của bài thơ này. 

-------------------------------
(HAT) - Để thay lời cảm ơn Khốt, tớ post tặng K13B bức hình chụp lớp các bạn, hình như là vào hôm trồng cây ở sân trường.


Trong bài thơ của Khốt có câu:
"Trường sợ răng học sinh thiếu canxi, răng yếu
Những người Việt gốc hoa, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Tớ không hiểu ý tứ lắm, viết thư hỏi mà chưa thấy Khốt trả lời, nên tự tiện sửa lại chút:

"Trường sợ học sinh thiếu canxi, răng yếu.
Những người Việt chúng ta, cái gì cũng thiếu
Lọ “DEP”, “ASA”, bôi xong cất kỹ, kẻo bạn dùng nhầm…"

Để tạ lỗi tự tiện sửa bài, tớ post tặng Khốt bức hình này, mặc dù trong chiếc hộp bí mật của  Khốt có thể cũng có rồi :))


Friday 16 December 2011

CHUYÊN NGỮ - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

(Phan Linh Cẩm - K13B)

Tôi vào trường chuyên ngữ hoàn toàn là do quyết định của bố, mẹ. Hồi đó, bố mẹ tôi đều là cán bộ giảng dạy của trường đại học sư phạm Hà nội 1. Sau khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) bố mẹ tôi cho tôi được tuyển chọn và thi tuyển các môn Toán, Văn, Năng khiếu ngôn ngữ để vào trường. Các lý do bố mẹ cho tôi vào học chuyên ngữ là vì học sinh vào trường này được coi như là cán bộ nhà nước - có học bổng và phiếu E, với mức lương thực bao cấp là 18kg gạo/tháng. Với thời kỳ khó khăn đầu những năm 1980, đó quả là một sự thu hút khá lớn. Học ở trường lại rất dễ được đi nước ngoài, nhất là nước Nga, nên bố mẹ tôi, những người từng học ở Nga về, chẳng có sự đắn đo gì mà đưa tôi ngay vào chuyên ngữ lớp Nga.

Nhớ hôm mới vào chuyên ngữ, trời mưa rất to, học sinh được tập trung trong nhà hội đồng để nghe những lời dặn dò ân cần, trìu mến của cô Việt, hiệu trưởng. Cô Việt có giọng nói thật dịu dàng, trầm ấm, như giọng của một người mẹ nói với những đứa con thân yêu của mình. Rồi tôi cũng đi nhận giường trong ký túc xá. Đúng là chẳng biết bao giờ cho đến ngày xưa, thời kỳ bắng nhắng với hai đuôi tóc tết dài, và dáng người gầy gò, điều mà bây giờ chẳng thể nào có được.

Học chuyên ngữ hồi đó thật là thích, học sinh không phải học thêm như bây giờ, các thầy cô thì hết sức nhiệt tình. Lớp được cô Dung chủ nhiệm ngay từ đầu. Vì dạy môn lý nên cô cũng khá nghiêm khắc, chỉ nghe tiếng bước chân của cô đi ngoài hành lang là cả lớp đã im phăng phắc. Đến bây giờ tất cả học trò của cô đều không thể nào quên nghị lực của cô vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng không thể nào quên cách giải bài toán rất điệu nghệ của thầy Thụy, cũng như mùi nước hoa lãng mạn và cách quay người rất nghệ sỹ của thầy. Còn thầy Cường thì nổi tiếng với việc giảng những bài toán một cách vô cùng cẩn thận, nếu học tốt môn toán thầy dạy thì chắc chắn đủ điểm toán để đi học nước ngoài. Cô Chung dạy môn hóa cũng rất nghiêm. Tôi vẫn nhớ việc học chểnh mảng ở lớp 12, chỉ quan tâm đến những môn sẽ thi đại học. Lần đầu tiên trong đời để vở dưới gầm bàn để quay bài trong giờ của cô và đã bị cô bắt gọn. Cô Thủy giảng văn thật lãng mạn, thầy Thu dạy sử lại như một người bố của cả lớp. Hồi đó đời sống còn khó khăn, không có đủ máy móc để luyện tập, nên trong giờ thể dục, thầy Thắng hướng dẫn cho cả lớp tập lộn, hết xuôi lại đến ngược. Không hiểu sao hồi đó tôi khá gầy gò, mà cũng không có năng khiếu thể thao chút nào, chỉ lo bị thi trượt môn thể dục

Trường chuyên ngữ lúc đó cũng không còn quá khắt khe với việc bắt buộc học sinh phải ở nội trú. Do bố tôi xin được một căn phòng nhà lá ở ngay trường đại học sư phạm 1 bên cạnh, nên tôi, Phương lớp trưởng và Điệp, những người đã học cùng cấp 2 với nhau, lại ở cùng nhau, tự nấu nướng, học hành. Tôi vẫn nhớ hồi đó trong lớp có phong trào bói lông mi. Nếu thấy lông mi rụng, được một bạn giấu vào ngón tay mà chỉ đúng ngón, thì ước điều gì sẽ được thành hiện thực. Có lần bói lông mi thành công, tôi đã ước được ăn thịt gà, thế mà chiều đi học về, bố Điệp đã mang thịt gà đến thật. Thời kỳ khó khăn đó, những kỷ niệm như thế chẳng thể nào quên được. Tôi còn nhớ lần cả lớp làm liên hoan, vất vả với món bún chả và phở, thế mà khi ăn sao lại ngon đến thế, ăn xong vẫn thòm thèm vì thức ăn quá ít. Rồi những hôm buổi trưa ở lại trường, mang cơm đi theo ăn, lúc nào cũng luôn mong chờ được Ngân Hà chia sẻ cùng ăn. Mẹ Ngân Hà nấu ăn rất ngon, và hôm nào cũng để vào trong cặp lồng rất nhiều thịt, nhất là món thịt băm viên rán, món xa xỉ hồi đó. Có ăn ở bếp ăn nhà trường với điệp khúc rau cải xoong, bột mì luộc, mới thấy quý thức ăn thế nào. Những lọ muối vừng đầu tuần được mang vào, bao giờ cũng được lắc lên, để lấy những mảnh lạc to ăn trước. Tóp mỡ kho lại nước mắm cũng là món ăn ngon đến thế.

Những hôm biểu diễn văn nghệ, cũng môi son, má phấn, tóc buộc nơ, cùng nhau hát vang những bài tiếng Nga mới học được. Vũ Hà thì dáng người nhỏ bé, hát bài “Con mèo đánh tây” rất phù hợp. Kim Lan thì giọng cũng ấm, nhưng lại hay hát vụng những bài của miền Nam trước năm 1975 nên có khi cũng bị phê bình. Rồi Kim Lan còn nổi tiếng về vụ học nhanh và sau đó lăn ra ngủ nữa chứ. Kim Lan, Hương, Hương Lan có lẽ đã được liệt vào hội ngang, lười học. Hồi đó trong cả hội đói ăn, trông Kim Lan và Phương lớp trưởng khá mũm mĩm so với những cò hương xung quanh. Phạm Lê Dung thì ngay từ khi vào chuyên ngữ đã gây ấn tượng với mầu áo vàng rất ‘dễ nhớ”. Dung hồi đầu khá rụt rè, nhưng chữ viết thì rất đẹp, vì thế bao giờ cũng được giao ghi sổ đầu bài

Những buổi lao động trồng cây ở sân trường vui biết bao. Thế mà cái cây của tổ hai, trồng lại, lần sau cũng vẫn bị bẻ gẫy. Có hôm mặc dù trời mưa, cả lớp vẫn đi nhặt gạch để bán lấy tiền tăng thêm quỹ lớp. Rồi hồi đó, ai nói câu gì hớ là lại bị cả hội xúm vào suy bậy, rồi cười phá lên ầm ĩ. Tôi vẫn nhớ mình phỏng theo bài thơ của Lý Thường Kiệt để ghép tên các đôi bị chế lại với nhau
           Nam Cúc, Sơn Hà, Nam Cúc c…
           Thúy Long, Hoa Hải, Cúc c… c…
Lúc nghĩ ra câu thơ con cóc đó, chẳng có ý gì bậy cả, thế mà khi đọc lên, cả hội đã suy ra, ghép nghĩa đen tối vào đó. Rồi hôm bị cô Thủy gọi lên bảng, đứng trên đó bị cuống, nói: ”thế rồi anh Trỗi liền ấy …”, làm cả lớp cười ầm lên.

Kể ra là học sinh chuyên ngữ thời đó thật ngoan. Lớp chỉ có Loan Anh sớm biết lãng mạn một chút là đã bị phê bình. Mai Hoa có lần viết thư trao đổi với các chú bộ đội ngoài đảo xa, học hành có phần chểnh mảng, cũng bị cô Chung Hóa nhắc nhở. Kim Thanh mắt to, lúc nào cũng rất lãng mạn. Điệp cán sự chính trị thì rất bôn, đã đặt ra quyết tâm gì thì theo đuổi bằng được. Chỉ cần cô Dung nhắc khéo về tật hay ngủ, là Điệp quyết tâm thay đổi, trả lời bằng những điểm cao trong học tập. Thùy cũng nhút nhát, ít nói. Hường cũng như vậy, và hồi đó lớp đặt cho biệt hiệu là bút chì, vì đầu nhọn. Thế mà sau này, khi thành thiếu nữ, Hường trở nên xinh đẹp, nữ tính đến không ngờ. Hồng Hà thì thật cẩn thận, giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập rất chu đáo. Minh Hà bị đặt biệt hiệu là Phích vì giống nhân vật đó trong phim hoạt hình “80 ngày vòng quanh thế giới”. Nhờ có việc thi đại học cả lớp được ngồi cùng phòng, tôi đã hỏi được Hà cách vẽ thêm đường trong bài toán hình, mà ngay sau đó tôi không còn phải cắn bút nữa. Ngân Hà thì xinh đẹp, duyên dáng từ sớm, mái tóc bồng bềnh trong gió, nên cũng đã làm nao lòng nhiều đấng mày râu. Quang Hải được gọi theo tên tiếng Nga, “Khai”, là học sinh yêu của thầy Thụy dậy toán. Hùng khốt thì ngoài vấn đề được mọi người phải ngoái nhìn bởi mầu sắc vàng, tím của áo quần, còn gây ấn tượng vì được cô Thủy khen về bài văn. Thế mà hồi đó ở Hùng, tài ăn nói hóm hỉnh còn chưa nổi trội như về sau này. Các bạn trai trong lớp thì được gắn với biệt hiệu theo như mấy câu thơ khá nổi lúc đó:
Trai giao thông như cành dương liễu
Gái giao thông như củ khoai mì
Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi
Gái sư phạm như chim anh vũ
Chim anh vũ đậu cành dương liễu
Khỉ cụt đuôi bám củ khoai mì
Đoạn thơ này có lẽ bắt nguồn từ hai trường đại học giao thông và sư phạm vì lúc đó hai trường ở gần nhau. Thế mà các bạn học sinh nữ cấp ba chuyên ngữ cũng lấy làm đắc ý lắm. Còn những chuyện cười, ăn như sư, ở như phạm, phải mượn nhau thuốc ngứa, mà hồi đó nhà sản xuất thuốc ngứa cũng dã man, cứ để màu xanh lè, tố cáo khổ chủ.

Ấn tượng của Ngọc Lan để lại đối với mọi người trong lớp là vẻ đẹp mong manh, nữ tính, không những thu hút tất cả các đấng mày râu ít ỏi trong lớp, mà còn của cả các lớp trên. Đến bây giờ, thỉnh thoảng gặp lại nhau, mọi người trong lớp vẫn điểm mặt, ai là người thích Lan nhỉ. Ai cũng nghĩ là Lan yếu đuối, vì từ bé đến lớn đã được chiều chuộng, nâng niu. Có người lại còn bảo, số Lan trông thì an nhàn thế, nhưng có lẽ sẽ vất vả, vì vẻ buồn buồn hiện trong đôi mắt. Thế mà cuộc sống đã tôi luyện tất cả. Những người gặp Lan sau này đôi khi cũng phải ngỡ ngàng, không hiểu Lan lấy đâu ra được nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách  của cuộc sống. Lan vẫn giữ được vẻ dịu dàng, yêu kiều qua thời gian. Cùng tên, nhưng Hương Lan lại gây ấn tượng vì vẻ ương bướng của mình. Sau nay Lan mới kể lại là hồi đó Tuyến đã phát hiện rằng Hương Lan họ Trương, toàn vần ương, nên tên thế, tính thế là đúng quá. Tuyến nổi danh với biệt hiệu “bác học” vì tính chăm chỉ, cần cù khó ai bì kịp. Các bạn nội trú chắc vẫn nhớ cảnh Tuyến dậy từ sớm, tập phát âm chữ “r”, lưỡi rung mà giường tầng cũng phải rung theo. Thúy có biệt danh “còi” vì vóc dáng, các bạn cùng phòng lợi dụng lúc Thúy ngủ say, nói mê, để tra khảo xem thích bạn nào. Nhà Thúy hồi đó ở phố Đội Cung, khiến hội hay suy bậy trong lớp càng thêm phát huy trí tưởng tượng. Vinh thì hay bị cả lớp trêu, nhưng dáng cao, mặc quần ống loe phấp phới, cũng để lại nhiều ấn tượng lắm. Liên lớp phó phụ trách sinh hoạt đã rất nhiệt tình, sát sao, trách nhiệm trong công việc khó nhất là phân phối tem phiếu cho các bạn đăng ký ăn ở bếp ăn của trường. Có lẽ chính thời kỳ đó đã tạo nên tính năng động, nhậy bén, thành công sau này ở Liên. Đôi mắt đen, to tròn, trên gương mặt gầy gò, dáng người nhanh nhẹn, nên nhiều bạn tuy cùng học một lớp, nhưng sinh năm dưới, tự nguyện gọi Liên là chị. Người cũng có ánh mắt lanh lợi, thông minh là Phương Lan, lớp phó phụ trách học tập, cũng bị các bạn trong lớp gán cho tên của bộ trưởng Sa hoàng đàn áp cách mạng. Phong thì lãng mạn, văn chương ướt át, báo hiệu cho tương lai của một thầy giáo dậy khoa văn đại học sư phạm sau này… 

Biết bao kỷ niệm buồn, vui, nhiều khi không thể nhớ lại được hết. Ngồi xem lại những quyển Lưu bút viết vào cuối năm lớp 12. Hồi đó cũng đã mỏi tay để viết những dòng gần giống nhau vào các cuốn sổ, tiên liệu đến nỗi buồn phải rời xa tuổi thơ. Nhưng bây giờ, sau 25 năm nhìn lại, mới thấy thấm thía hết được. Không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được nữa.
(Phan Linh Cẩm)

(HAT) - Bài này Cẩm viết và đăng trong cuốn Kỷ yếu của K13B Chuyên ngữ (lớp tiếng Nga) nhân dịp 25 năm vào trường. Lớp K13A (Anh-Pháp) của mình cũng định làm Kỷ yếu rồi lại thôi, vì thấy mất nhiều công sức quá, trong lớp lại không có "nhà văn nhà thơ" nào (hoặc có nhưng ngại đăng tác phẩm của mình chăng?). Sắp tới hai lớp sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm vào trường, nên mình muốn đăng bài này của Cẩm, để "làm mồi", mở đầu cho Chủ đề Chuyên Ngữ. Hy vọng sẽ có nhiều phản hồi và bài viết của các bạn, về một thời để nhớ.

 Mình còn giữ được bức hình này của một nhóm bạn lớp B. Không nhớ ai tặng mình, có lẽ là Hùng "Rô". Dù Cẩm viết "không ai có thể quay trở lại thời thanh niên hạnh phúc, sôi nổi đó được", nhưng mình vẫn mong các bạn coi bức hình này, và để cho tâm tưởng quay về thăm một thời để nhớ đó nhé.

Thursday 15 December 2011

Chuyện kể lúc về già …

HAT - Các bạn học của mình thời chuyên ngữ đang í ới kêu gọi chuẩn bị họp mặt kỷ niệm 30 năm vào trường. Thời gian bay vù vù, khiếp thật. Nhoằng cái đã 30 năm. Đáng lẽ mùa thu năm nay đã là 30 năm rồi, nhưng hồi đó Chuyên ngữ gọi vào trường từ học kỳ 2, tức là sau Tết Âm Lịch 1982. Mọi người nói lý do triệu tập học sinh muộn là do ... thiếu gạo. Mình không biết đích xác, nhưng có lẽ đúng thế. 

Gần 3 năm sống và học ở Trường PTTH Chuyên ngoại ngữ (ĐHSPHN) là những năm tháng mình không bao giờ quên được. Cuộc sống hồi đó thật khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng tụi mình cứ hồn nhiên như không, cứ vui cười đùa nghịch suốt ngày. Cuộc sống trong môi trường sinh viên nội trú làm học sinh phổ thông 13-14 tuổi tụi mình cũng cảm thấy mình người lớn hơn, tự lập hơn, tự giác hơn, so với hồi ở nhà với bố mẹ.

Mình còn giữ lại một bài thơ vui vui về đời sinh viên, chép lại từ hồi đó, từ cuốn sổ của một chị sinh viên khoa Anh, phòng bên cạnh. Thực ra chẳng biết tác giả là ai nữa, vì chị ấy chắc cũng chép lại từ đâu đó. Vậy nên ta cứ gọi tác giả là "Sinh Viên".



Chuyện kể lúc về già …

Tác giả: Sinh Viên
PS: chị Nguyễn Phương Thảo, cựu học sinh CNN, cung cấp thông tin tác giả bài thơ này là chị Thanh Chung.
 
Mong chóng về già kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc gì dễ quên.

Mình sẽ quay về năm tháng ấm êm
Mái nhà tranh bốn giường tầng – bốn căn buồng hạnh phúc
Những đôi vợ chồng yêu nhau rất thực
Cũng ghen hờn bâng quơ …

Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi người một câu, mỗi người một ý
Mẩu bánh mì nâng tâm hồn thi sỹ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần

Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi hăm mà phòng chẳng có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Mùng 8 tháng 3 mình lại tặng hoa mình

Đấy cái thời chúng mình gọi bình minh
Là tia nắng 8 giờ xuyên qua vách
Thể dục buổi sáng xem như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ.

Con cháu sẽ nghe kể chuyện xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.

Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chắng thể quên những ngày sức ăn như rồng cuốn
Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba.

Thuở ấy chúng mình cũng sống "xa hoa"
Ngày sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn dăm bảy bận 
Gạo ít, người đông, thêm nước lại đầy

Chúng mình đã sống bằng khối óc bàn tay
Bao sự hy sinh kể sao cho xiết
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm.

Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng trời xanh cao vời vợi
Để đêm đêm chúng mình ngắm sao trời.

Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
Ta đã đi qua một thời sôi động
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc thơ – cuộc sống
Để phòng bên nhắc nhở đấm thủng tường.

Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Cũng đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu.

Sau này về già kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đã sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai sống qua rồi chắc gì dễ quên.


Tuesday 29 November 2011

Lên Suối Giàng (phần 2)


Bọn trẻ con nội trú được báo trước có khách Hà Nội lên, đã ngóng chờ từ chiều. Một số đứa nhà rất xa, không đợi được, phải về để hôm sau mang gạo đến trường. Mới sà vào lân la bắt chuyện với chúng, thì bác Tuấn, bác Trâm, bác Linh đã bắt đầu phát áo khoác ấm cho bọn tiểu học. Các bác Tiến, bác Khôi thì làm phụ tá. Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quà, mặc áo, đội mũ với vẻ mặt hân hoan mà thấy sướng quá


 





Xong Tiểu học, bác Tuấn lại dẫn mọi người qua trường THCS phát áo, phát khăn. Có chút trục trặc là áo khoác cỡ nhỏ nhiều quá, ít cỡ to, nên phải chọn, đổi hơi lâu cho những đứa lớn mặc vừa. Bọn con gái thích áo màu sặc sỡ, đỏ đỏ, hồng hồng, hơn là áo màu xanh, màu đen.



Thùng quần áo cũ mình gửi các thầy cô THCS phát cho các em sau. Thùng sách truyện thì gửi cho Thư viện của THCS luôn. Xong xuôi cả rồi, đã hơn 20h, ai đó mới sực nhớ, hỏi: “Thế cây chè cổ thụ nổi tiếng trông thế nào?”. Bác Tuấn dẫn ra góc sân Trường, chỉ mấy cây chè cao khoảng hơn 2m, gốc to bằng bắp chân, nói chè đây này. Một thầy giáo bấm đèn pin cho khách coi chè, chỉ dẫn: “Mấy gốc chè này chỉ 20-30 năm thôi. Chè cổ thụ phải cả trăm tuổi kia”. Thế là cuộc thưởng ngoạn chè Suối Giàng diễn ra trong chưa đầy 5 phút, dưới ánh đèn pin! Thôi thì lần khác có dịp lên coi, hoặc vào mạng search hình coi đỡ vậy.

Trên sườn dốc xa xa cũng thấy lấp loáng ánh đèn pin. Một cô giáo nói đó là những đứa nhà gần (cũng phải 5-6 km) tối nay đi bộ về lấy gạo mai mang lên nộp cho cả tuần sau. Nói đến ăn, lúc đó mới thấy đói khiếp! Đang băn khoăn định hỏi xem ở đây có hàng quán gì không, thì nghe nói ông chủ tịch xã, bí thư xã, các thầy cô giáo đã làm cơm tiếp khách tại Văn phòng trường Tiểu học. Bữa cơm ấm cúng, thân tình, rất vui! Trong bữa, có một cô giáo hát tặng khách mấy bài, có cả bài hát do cô sáng tác về nghề dạy học, rất hay! Bác Khoai thì đọc một bài thơ. Ăn xong, mình vòng vòng ngó xem mấy lớp học. Thực lòng mà nói cơ sở trường lớp ở đây ổn, khá hơn nhiều nơi, nếu căn cứ vào những bức ảnh mình đã thấy. Nhà xây, tuy nhỏ, nhưng cũng sạch sẽ, khang trang. Với Suối Giàng, vấn đề chỉ là đồ ấm chưa đủ, và thức ăn cho học sinh nội trú còn thiếu thốn. Một cô giáo nói bây giờ nhờ bác Tuấn, cơm có thịt, bọn trẻ thích đi học hơn, ít bỏ học hơn. Nhiều đứa hơn tháng qua lớn phổng lên, tăng mấy cân luôn. Ai cũng mừng! Nhìn chung, mình thấy tụi trẻ dân tộc bé quá, nhiều đứa học lớp 5-6 mà bé bằng bọn lớp 2-3 ở Hà Nội. Nếu nhờ có thịt, có áo ấm mà chúng nó khỏe mạnh hơn chút, ít ốm đau hơn chút, cao hơn chút, nặng hơn chút, thì còn gì làm chúng mình vui hơn.

Bác Tuấn từ lúc nào đã kịp lượn qua chỗ có một nhóm học sinh đang coi phim gì đó trên TV, có lẽ là cái TV duy nhất ở Trường. Rồi bác ấy nhắc thầy cô giáo là không nên cho tụi nhỏ coi những phim nhiều cảnh bạo lực như thế. Mọi người lại bàn tán nên chuyển những băng đĩa gì từ Hà Nội lên cho tụi trẻ ở đây xem.

21h30, cả đoàn qua thăm một dãy nhà của nội trú của Tiểu học. Căn nhà này trước là Trạm Y tế xã, sạch sẽ, ấm áp, nhưng có vẻ hơi ít cửa sổ, và các căn phòng hơi nhỏ. Mỗi phòng kê 3-4 chiếc giường tầng sát nhau. Hôm nay nhiều giường trống vì nhiều đứa về nhà ngày cuối tuần. Nhiều đứa đã chui vào chăn ngủ khò khò, nhiều đứa đi ngủ vẫn để nguyên áo mới, mũ mới không muốn rời. Bọn trẻ mới 6-7 tuổi đã biết tự lập, đến giờ tự đi ngủ, tự biết gấp chăn.




 
22h, cả đoàn 12 người rời Suối Giàng, chạy xe về Nghĩa Lộ (cách hơn 20 km) thuê khách sạn để ngủ.

Sáng Chủ nhật, ăn sáng xong, các bác lại lên đường đi Y Tý, mang theo rất nhiều chăn mền, bánh mì, sữa, ... cho các bé mẫu giáo, hình như trên đường đi còn định ghé qua mấy điểm ở Mù Cang Chải. Mình chia tay mọi người để quay về Hà Nội, vì chiều chủ nhật có việc bận. Con đường các bác ấy sắp đi lên Y Tí còn xa và gập ghềnh hơn nhiều chặng Hà Nội đi Suối Giàng.

Bác Tuấn gửi lời chào và cảm ơn các bạn Giỏ Thị và Lana nhé.

Đường về đã quen, thong thả hơn, tranh thủ ngắm cảnh và còn dừng lại chụp ảnh mấy lần.


Người mẹ trẻ địu con giặt đồ trên sông


Đang đổ xuống một con dốc dài thì gặp hai mẹ con người dân tộc đi ngược chiều. Thấy mình dừng xe, giơ máy ảnh, hai mẹ con dừng lại, cười tươi cho chụp hình. Có lẽ đây là bức ảnh đẹp nhất mình đã từng chụp!


Trên xe chỉ còn một lốc sữa tươi khả dĩ để làm quà, mình mang đến cho con bé. Con bé tần ngần không cầm, mẹ nó nói gì đó, nó mới nhận sữa. Mình hỏi người mẹ: "Có biết uống sữa này không?". Chị ta nói được tiếng Kinh: "Có biết mà!". Lúc đó, mình mới phát hiện ra trên lưng chị ta còn địu một đứa con nhỏ đang kêu e e.


Tự nhiên chẳng biết viết gì để kết thúc bài này. Ờ, đúng là mình đã bắt đầu mê đi Tây Bắc rồi! Lần sau có dịp mình sẽ lại xin đi theo các bác Tuấn, bác Tiến lên Tây Bắc. Sẽ xin nghỉ phép vài ngày để đi những chặng xa hơn, đến được những nơi hẻo lánh hơn. Nơi đây không chỉ có núi non hùng vĩ, mà còn có những nụ cười hồn nhiên thế, những ánh mắt trong veo thế.

Monday 28 November 2011

Lên Suối Giàng (phần 1)

 

Từ mấy bữa trước thấy “Giỏ thị trưởng” Lana thông báo nhóm Giỏ thị Blogspot sẽ quyên góp quần áo để gửi qua Quỹ “Cơm có thịt” của Bác Trần Đăng Tuấn lên giúp trẻ em vùng cao, mình về kêu con trai soạn hết tủ quần áo, đồ gì còn tốt nhưng không dùng, hoặc ít dùng thì để riêng, giặt sạch, gấp cẩn thận để gửi các bạn. Góp được một túi, nhưng chủ yếu đồ hè, đồ ấm thu-đông thì lại không có nhiều, mà bây giờ bắt đầu mùa đông, trẻ em vùng cao cần gấp đồ chống rét. Lana cũng có một thùng quần áo cả cũ và mới. Lana bàn với mình nên mua thêm một ít đồ ấm cho tụi trẻ con, nhưng mặt khác lại không muốn tiêu lạm vào số tiền “thịt” mà nhóm Giỏ thị đã góp. Riêng mình đã có kế hoạch góp “tiền thịt” lâu dài, hàng quý, khoản góp thêm đột xuất để mua quần áo ấm lần này cũng có thể thu xếp được, nhưng không nhiều. Đang lăn tăn tính có nên kêu gọi các bạn tài trợ tiếp không, thì tìm ngay được nhà tài trợ "sộp".

Chẳng là bà xã mình vào đọc blog của bác TĐT, đọc xong mắt đỏ hoe, nói muốn mua chút đồ tặng cho tụi nhỏ vùng cao. Mình nói chuyện cuối tháng 11 các bác í lên Suối Giàng, Y Tý … đó, mua áo quần, khăn mũ gửi lên đi. Bà xã ok cái rụp, nói nhưng em bận quá (ngoài việc cơ quan, tháng 12 lại thi cao học), không có thời gian đi mua đồ, thôi ủy quyền cho anh mua gì thì mua! Ngoài quần áo có cần mua sách vở, giấy bút, đài, băng đĩa hay sách thiếu nhi không?

Viết thư hỏi Bác Tiến (mà bên blog bác TĐT gọi là Tiến Trọc, còn nhóm Giỏ thị gọi thân mật là Khoai), bàn với Lana, hỏi cả ý kiến AnKhanhCongChua (một bạn tình nguyện viên trong nhóm Bác TĐT). Cuối cùng quyết định mua mũ len khăn len cho học sinh nội trú ở Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng. Bây giờ đồ chống rét là cần nhất. Những thứ khác tính sau.

Chủ nhật vừa rồi, rủ Lana đi mua đồ. Khảo giá các cửa hàng thì thấy khá đắt. Ra chợ Đồng Xuân, thấy giá mềm hơn nhiều. Chỉ còn chút băn khoăn là khăn mũ của Việt Nam thì giá đắt hơn hàng Tàu khá nhiều. Mà tụi mình chỉ muốn mua hàng made in Vietnam, hổng có khoái made in China. Dạo vòng vòng, chọn lên lựa xuống, cuối cùng cũng mua được 70 mũ len nam (Vietnam), 60 mũ len nữ (nhiều khả năng hàng TQ), 80 khăn len (có lẽ là hàng VN – nhưng không chắc lắm). Ngân sách có ít, nên đành chọn hàng rẻ, để đủ đồ cho cả trăm đứa trẻ. Tuy thế, tụi mình lại lựa đồ rất cẩn thận, làm mấy bà bán hàng, chắc quen bán xỉ hàng ngàn chiếc, theo mớ, theo lô, hàng bao tải cau có khó chịu. Tụi mình cứ phớt lờ, bắt các bà đổi đi đổi lại những thứ không vừa ý mà người bán cứ giúi vào tay.

Giữa tuần, bác Tiến Khoai thông báo cuối tuần đi Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) và khảo sát thêm mấy điểm, đi một vòng mất ít nhất 3 ngày, trong kế hoạch gần không có đi Suối Giàng. Đi như thế hơi dài ngày, cuối tháng cuối năm mình lại khá bận. Đành báo cho bác Tiến là khăn mũ tụi em đã mua, chuyến này em không đi cùng các bác được, nếu các bác không đi Suối Giàng, thì nhờ các bác cứ mang theo, trên Bát Xát có trường nào cần thì các bác cứ chuyển giùm.

Đùng cái, chiều thứ 6 bác Tiến báo 13h trưa mai thứ bảy sẽ đi, trên đường đi Y Tý sẽ qua Suối Giàng. Mình mừng húm, bảo vậy em tự lái xe theo các bác lên Suối Giàng, ngủ đêm ở đó, sáng hôm sau các bác đi Y Tý thì em về Hà Nội. Rồi vội chuẩn bị thùng xếp đồ đã mua, đã gom được, cộng thêm một thùng truyện thiếu nhi mình mới mua dạo hè.

Bà xã mình đang bận ôn thi, nhưng thấy chương trình ngắn gọn, thứ bảy đi, chủ nhật về, cũng quyết định vứt sách, đi Suối Giàng cái đã! Lana đang đi công tác, không bám càng được, tiếc hùi hụi, than thở mãi.

Mình chưa lên Tây Bắc bao giờ, đường xá không thạo thì cũng có thể xem bản đồ hoặc dùng định vị GPS, hoặc hỏi dân, nhưng chỉ ngại đèo dốc, không đi nhanh được thì làm vướng chân các bác ý, nên định tự mình khởi hành sớm hơn chút. Ai dè 11h, bác Tiến a lô, nói cần nhờ xe mình đi nhận ngay mấy thùng bánh mì và sữa cho trẻ em, bởi các xe khác đã xếp đầy áo khoác, chăn mền …. Thế là chạy đi nhận bánh mì, sữa, rồi đổ xăng. Về nhà chỉ kịp ăn vội ăn vàng, rồi lên đường, đã gần 13h.

Bác Tiến dặn cứ theo quốc lộ 32 mà đi, gần đến Nghĩa Lộ sẽ có biển chỉ dẫn rẽ vào Suối Giàng. Đi khoảng gần 100 km, qua Thanh Sơn, bắt đầu vùng đồi núi. Bên đường có những đồi chè thật đẹp. Nhưng mình chẳng tâm trí đâu ngắm cảnh, cứ chạy đều, mặc bà xã chụp ảnh được gì thì chụp, qua cửa kính xe. Máy ảnh amateur, người chụp amateur, cách chụp cũng amateur nốt, nên chẳng được ảnh nào đẹp. Thỉnh thoảng đến những ngã rẽ không có biển chỉ dẫn, vẫn phải dừng lại hỏi đường. Đường núi vắng heo hắt, nhà dân thưa thớt, lâu lâu mới thấy bóng người hay xe chạy qua. Sau 16h, bắt đầu thấy nhiều học sinh tan học, đi xe đạp trên đường về nhà. Những đoạn dốc cao, chúng đều phải dắt xe, từng tốp, từng tốp đông. Hầu hết học sinh đều mặc đồng phục khá tinh tươm.

 

Từ ngã ba Thu Cúc, thấy một xe con biển số Hà Nội chạy bám sát đằng sau. Mình bảo bà xã, chắc xe bác Tuấn đây, thôi nhường bác ấy chạy trước, ta cứ bám theo là tới. Mấy chục cây số mình chạy theo xe đó, đột nhiên thấy họ dừng lại hỏi đường, lại nghi không phải bác Tuấn, vì bác ấy đã lên Suối Giàng, lý gì không biết đường. Tuy thế vẫn hy vọng là ai đó trong nhóm “Cơm có thịt”, vẫn kiên trì bám theo. Với lại đi đường dốc núi quanh co, trời sắp tối, có xe khác chạy trước mình cũng dễ lái hơn.


Gần đến Nghĩa Lộ, vướng mấy chiếc xe tải khó vượt lúc lên đèo, chiếc xe kia mất hút khỏi tầm nhìn. Đi thêm vài km thì thấy biển chỉ lối rẽ: Suối Giàng 12 km. Bắt đầu từ đây chỉ có dốc dựng ngược lên, quanh co khúc khuỷu. Bên núi cao, bên vực sâu. Những đoạn vào cua gấp, bà xã ngồi bên lại sợ dúm người.


Hỏi đường chạy thẳng đến Trường Tiểu học Suối Giàng, vào cổng trường, đã thấy chiếc xe khi nãy đỗ đó, hóa ra mình đoán đúng, là xe bác Tuấn. Chỉ là lái xe cho bác ấy lần này là người khác, chưa thạo đường, nên thỉnh thoảng phải dừng xe hỏi. Có một xe nữa cũng đến từ trước khá lâu, trong xe lèn chặt chăn và áo khoác trẻ em. 30 phút sau, khoảng 6 giờ, xe bác Tiến, bác Thùy Linh cũng đến nơi. Mọi người dỡ đồ từ các xe xuống. Nơi tập kết đồ để chuẩn bị phân phát cho các cháu là cửa hàng tạp hóa của anh Thắng, nằm ngay trước cổng Trường Tiểu học, chỗ này có sân rộng bằng phẳng, có đèn điện sáng sủa, và có cái sạp đá to tướng, có thể xếp đồ lên cho sạch sẽ.

(Lên Suối Giàng - phần 2)

Wednesday 31 August 2011

Чистые пруды

Thân tặng những người bạn đã học cùng tôi ở Trường Moris Thorez (Matxcova)

Nói đến Matxcova, ta hình dung ngay ra Quảng Trường Đỏ, Điện Kremlin, Đền thờ thánh Vasili Blazhenovo ... Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những lưu học sinh Việt nam tại Nga. Đó là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, hoành tráng, ở giữa trái tim của một đất nước vĩ đại. Nhưng đối với mình, hình ảnh thân thương nhất mỗi khi nhớ về Matxcova lại là Чистые пруды (tạm dịch là Hồ Nước Trong được chăng?!).

Hồi mới sang Nga du học, năm 1985, ký túc xá sinh viên bọn mình ở ngay trung tâm thủ đô Matxcova, nhà 6/8 Petroverigskiy pereulok, cái ngõ nhỏ thông ra phố Bogdana Khmelnitskovo (từ năm 1990, phố này đổi lại theo tên cũ là Maroceika, vốn có từ thế kỷ 17). Từ đó ra Quảng Trường Đỏ chỉ khoảng 10 phút đi bộ. Mình hay vào Кремлёвский Дворец Съездов (Cung Hội nghị Kremlin) để xem balet, đơn giản vì gần, hơn nữa hầu như không thể nào mua được vé (và cũng không rủng rỉnh tiền) vào Большой Театр (Nhà Hát Lớn).

Маросейка, 17 - Дом Румянцевых
Suốt hai năm học đầu, trước khi KTX chuyển về Sokolniki, ngoài giờ học, mình đã đi dạo chơi lang thang đến thuộc lòng từng ngóc ngách ở đây. Khu này toàn là những phố nhỏ, yên tĩnh. Nhà không cao, thường 3-4 tầng, nhiều lắm chỉ 6-7 tầng. Có rất nhiều nhà cổ đẹp tuyệt vời, như ngôi nhà trong hình bên. Có nhiều vườn hoa nhỏ xinh xinh, và đặc biệt là vô cùng sạch sẽ và yên bình. Ở khu này trồng nhiều cây topol, một loài cây đẹp, thân cao, có điều vào mùa hoa nở, những sợi tơ từ hoa topol như những dúm bông nhỏ, bay đầy trong không khí, đậu xuống tóc, xuống vai áo, bay cả vào mũi, miệng, hơi khó chịu. Nhiều người bị dị ứng với thứ hoa này, giống như ở ta, khi trồng quá nhiều hoa sữa, mùi hoa sữa nếu thoang thoảng thì thích, chứ nồng quá thì gây khó chịu. Hồi đó mình hay nghịch bằng cách đốt đám sợi tơ topol bị gió vun thành từng lớp bên hè phố.

Từ phố Maroceika, đi xuôi xuống dốc là đến bến metro Ploshad Nogina (nay là Kitai-gorod). Từ đây, nếu đi thẳng một đoạn theo phố Ilinka là đến Quảng Trường Đỏ, còn nếu rẽ phải là ra Quảng Trường Lubianka. Nếu đi dạo, mình lại thường hay ngược lên dốc, đi một đoạn là tới phố Pokrovka, thẳng thêm chút nữa là đến Tchistye Prudy, nằm trên Tchistoprudny bulvard, một phần của Bulvarnoe Koltso.

Чистые Пруды (ист. Википедия)
Những buổi sáng chủ nhật dài lê thê tưởng như vô tận vì cô đơn, mình hay một mình đến đó, ngồi hàng tiếng đồng hồ, ngắm thiên nga và vịt trời bơi trong làn nước xanh (đôi lúc có màu xanh gần giống nước Hồ Gươm), chiêm ngưỡng cảnh thanh bình yên ả của ngày nghỉ cuối tuần. Những bà mẹ trẻ đẩy xe nôi đưa con đi dạo, các em bé nô đùa đuổi nhau trong công viên. Chốc chốc, xe điện chạy ngang qua gõ bánh lanh canh, rồi tất cả lại nhường chỗ cho tiếng cười lanh lảnh của lũ trẻ. Vài cặp tình nhân âu yếm nhau trên ghế đá dọc theo rặng liễu. Mấy cụ già ngồi đọc báo hay chơi cờ đô-mi-nô ...

Чистые Пруды (photosofia.ru)
Чистые Пруды (pokrovka.narod.ru)
Vào mùa đông, nước hồ đóng băng cứng, thanh niên kéo nhau ra trượt băng, chơi hokkey trên mặt hồ. Ven bờ, các em bé được các ông bố cho trượt sanki từ trên bờ dốc xuống lòng hồ. Còn khi xuân sang, lớp băng tuyết tan dần, từ dưới tuyết nhú lên hàng ngàn mầm xanh. Đầu tiên là podsnhezniki, trắng muốt và e ấp, rồi đến oduvantchiki khoe những cánh hoa vàng óng ả. Dù đã ở bên xứ lạnh nhiều năm, mỗi khi mùa xuân về, mình đều không khỏi sửng sốt trước sức sống mãnh liệt của cỏ cây nơi đây.
Подснежник (photoclub.by)

Одуванчики (www.artap.ru)
Ít ai biết rằng, vào thế kỷ 17, cái hồ này được gọi là Hồ Thối (Поганный Пруд), vì đây là nơi xả chất thải của các lò mổ và hàng thịt có rất nhiều ở khu này. Ngày nay gần đó vẫn có phố Мясницкая (Hàng Thịt). Từ đầu thế kỷ 18, hồ được nạo vét, làm sạch, và từ đó có tên là Чистые Пруды (Hồ Sạch - mình thích gọi là Hồ Nước Xanh hơn).

Gắn liền với những kỷ niệm về Tchistye Prudy là ca khúc cùng tên do Igor Talkov thể hiện. Đã nhiều năm kể từ khi xa Matxcova, mình lại lặng người mỗi khi nghe ca khúc này.


 
                     ЧИСТЫЕ ПРУДЫ
                     Композитор: Давид Тухманов
                     Испольнитель: Игорь Тальков

                     У каждого из нас на свете есть места,
                     Куда приходим мы на миг отъединиться,
                     Где память, как строка почтового листа,
                     Нам сердце исцелит, когда оно томиться.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     И я спешу туда, там льется добрый свет,
                     И лодки на воде как солнечные пятна,
                     Отсюда мы с тобой ушли в круженье лет,
                     И вот я снова здесь, и ты придешь обратно!

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     Однажды ты пройдешь бульварное кольцо,
                     И в памяти твоей мы встретимся, наверно,
                     И воды отразят знакомое лицо,
                     И сердце исцелят и успокоят нервы.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

                     У каждого из нас на свете есть места,
                     Что нам за далью лет все ближе, все дороже,
                     Там дышится легко, там мира чистота,
                     Нас делает на миг счастливее и моложе.

                     Чистые пруды застенчивые ивы,
                     Как девчонки смолкли у воды,
                     Чистые пруды, веков зеленый сон,
                     Мой дальний берег детства,
                     Где звучит аккордеон.

Friday 26 August 2011

Tàu điện ngầm ở Mátxcơva

Mấy bữa trước ngồi soạn lại mớ giấy tờ cũ, tình cờ thấy cái sơ đồ các tuyến tàu điện ngầm Mátxcơva mà mình mua từ thời sinh viên du học bên Nga. Những ký ức tươi đẹp ùa về.



Từ lâu đã muốn viết về hệ thống tàu điện ngầm ở Nga. Cái sơ đồ giữ được từ xưa đã quá cũ và nhàu nát, mình vào mạng tải về sơ đồ mới (xem hình), so sánh đối chiếu thấy TĐN Mátxcơva đã thay đổi rất nhiều so với hai chục năm trước. Thứ nhất là có thêm nhiều tuyến đường mới, những tuyến đã có trước đây cũng nối dài thêm ra, tạo thành một mạng lưới phủ khắp mọi ngóc ngách của thủ đô Mátxcơva rộng lớn. Thứ hai là có nhiều ga TĐN đã đổi tên, như ga Dzerzhinskovo đổi thành Lubianka, ga Ploshad Nogina đổi thành Kitai-gorod ...

Những ai đã đến Mátxcơva và đi TĐN ở đây, đều phải thừa nhận TĐN Mátxcơva là một trong những hệ thống TĐN lớn nhất thế giới. Từ một tuyến duy nhất khánh thành ngày 15 tháng 5 năm 1935 với 10 ga  từ Sokolniki đến Park Kultury, TĐN Mátxcơva ngày nay có 12 tuyến đường (chiều dài tổng cộng hơn 300 km), 182 ga đang hoạt động và gần 30 ga đang được xây dựng vào thời điểm hiện tại; mỗi ngày chuyên chở hơn 10 triệu lượt hành khách.

TĐN Mátxcơva có lẽ cũng là hệ thống TĐN đẹp nhất thế giới. Ngoại trừ những ga mới xây dựng sau này (có nhiều ga ở ngoại ô là ga nổi trên mặt đất) có thiết kế theo kiểu hiện đại, với vật liệu chính là kim loại và kính, các nhà ga được xây dựng trong các thập niên 30-70 của thế kỷ 20 (đa phần ở trung tâm thành phố), đều là những công trình kiến trúc đặc sắc, nhiều ga giống như những cung điện ngầm dưới lòng đất.

Ga Arbatskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Komsomolskaya (ảnh sưu tầm)

Ga Mayakovskaya (ảnh sưu tầm)

Các ga TĐN ở đây được bố trí hợp lý, gần những địa điểm đông người đi lại như ga đường sắt, quảng trường, trung tâm thương mại, ... Mỗi ga đều có nhiều lối lên xuống, từ hai đầu ga và từ giữa ga. Các tuyến đường liên kết với nhau bằng một hệ thống hầm chuyển rất thuận tiện (tuy phải đi bộ hơi nhiều). Ở trung tâm, có nơi đến 3-4 tuyến giao cắt nhau (ở những độ sâu khác nhau), và hành khách có thể dễ dàng chuyển từ tuyến này sang tuyến khác. Hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo ... khá đầy đủ, thuận tiện. Trong các đường hầm bộ hành dài dằng dặc dưới lòng đất, người ta vẫn có thể mua được đủ mọi thứ: hoa tươi, báo chí, nước uống, bánh trái ... thậm chí cả nghe các nhạc công đường phố biểu diễn.


Nữ nông trang viên (ảnh sưu tầm)
Có những ga tàu điện ngầm nằm rất sâu, từ trên mặt đất phải đi 2-3 lần cầu thang trượt mới xuống đến nơi. Tuy ở sâu dưới đất, nhưng không có cảm giác nặng nề, vì ga TĐN rất sáng sủa và đặc biệt là được thông gió rất tốt. Ấn tượng nhất là có nhiều tuyến đường chạy ngầm dưới lòng sông Mátxcơva. Tuy nhiên những tuyến mới thường được làm cầu đi nổi qua sông, để tiết kiệm chi phí đào đường hầm.

Trong vòng mấy chục năm trời, giá vé một lần đi tàu điện ngầm được Nhà nước ấn định là 5 kô-pếch (1 rúp = 100 kô-pếch). Sinh viên tụi mình thường mua vé tháng, chỉ còn khoảng 60-70% giá chính thức vốn đã rất rẻ. Để dễ hình dung, học bổng sinh viên VN được nhận hồi đó (1980-1990) là 90 rúp. Lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva là khoảng 200 rúp. Điều khác biệt lớn nhất của TĐN ở Nga so với nhiều nước khác trên thế giới là ở Nga, giá vé không phụ thuộc vào khoảng cách mà bạn di chuyển bằng TĐN, có nghĩa là một khi đã lên tàu, bạn có thể đi đến bất cứ bến nào, đi cả ngày trên tàu cũng được, chỉ với ... 5 kô-pếch. Đó là một đặc điểm của chế độ bao cấp còn sót lại đến tận bây giờ, mặc dù giá vé TĐN hiện nay không còn rẻ nữa: 28 rúp/một lần (khoảng gần 1 usd). Để so sánh, lương bình quân của người lao động ở Mátxcơva năm 2011 là khoảng 40.000 rúp.

Một đoàn tàu chạy tuyến 1 (tuyến đường màu đỏ Sokolniki - Park Kultury). Ảnh sưu tầm.

Mỗi đoàn tàu thường có 6-8 toa, mỗi toa có khoảng 50 chỗ ngồi và khoảng 100-120 chỗ đứng. Tốc độ trung bình 45-50 km/h. Vào giờ cao điểm, cứ 1-2 phút lại có 1 đoàn tàu vào ga. Tàu chạy khá êm, nhưng cũng phải nói rằng rất ồn. Cho nên hễ lên tàu là mình ít nói chuyện và hay đọc sách, thường tranh thủ làm bài tập hoặc ôn bài trên đường đến trường. Có lẽ vì thế mà từ năm thứ 2 phải đeo hai cái đít chai lên mắt :). Hồi mình mới sang, ký túc xá ở gần ga Dzerzhinskovo. Sau năm thứ 2, KTX chuyển về Sokolniki. Trường học ở Park Kultury, nên bọn mình đi học bằng TĐN rất tiện lợi và nhanh. Khái niệm "gần" cũng là tương đối. "Gần" nghĩa là trong phạm vi 1-2 bến xe buýt, có thể đi bộ. Bên kia người ta đi bộ nhiều. Không như ở VN, ra khỏi cửa là leo lên xe máy, nhiều khi chạy ra chợ vài trăm mét cũng đi xe máy.

Còn chuyện vui vui này nữa.
Có lần mình hỏi chuyện một ông người Việt sang đó làm ăn, rằng ông ở đâu trong thành phố. Đáp: tôi ở gần ga TĐN "cái gáo". Lục tung trí nhớ xem cả Mátxcơva có ga nào như vậy. Nghĩ mãi không ra. Nghe ông kia giải thích, mình mới hiểu đó là ga Frunzenskaya. Chả là chữ cái đầu tên ga đó là Ф, viết tiếng Nga hơi giống hình cái gáo múc nước. Vì vậy mà nhiều người Việt không biết tiếng Nga cứ gọi là ga "cái gáo" hay "cán gáo". Đúng là đi ra thế giới mà không biết ngôn ngữ của người ta thì thật khổ. Nhưng cũng thấy thú vị trước sự "linh hoạt" của dân ta./.