Pages

Sunday 29 January 2012

Nhớ về chuyên ngữ (2): Buổi học đầu tiên


Sau một tối ngủ ít, tiết học đầu tiên làm tôi choáng váng: đó là tiết tiếng Pháp. Tôi cứ tưởng phải học từng từ, rồi ghép từ thành câu. Nhưng không, sau câu chào bằng tiếng Việt, thầy Tường cho một tràng tiếng Pháp làm cả lũ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Rồi ngay sau đó, chưa biết một từ nào, đã phải học thuộc lòng những câu dài "lê thê": "Est-que je peux sortir/entrer, s'il vous plait?" (Thưa thầy, em xin phép ra ngoài/vào lớp), cùng với lời cảnh báo của thầy: "Nếu không học thuộc, thì đừng có hòng xin ra/vào trong giờ học" (ý thầy là nếu không nói được câu tiếng Pháp đó, thì chỉ còn nước tè ra quần trong lớp :)).
Chỉ sau vài tiết tiếng Pháp, chúng tôi, chia động từ être chưa xong, đã phải học ngay mấy bài hát "C'est à Capri que je l'ai rencontré" và bài "Au jardin des animaux". Nhưng phải công nhận cách dạy này làm chúng tôi học ngoại ngữ rất nhanh. Thầy không có dạy từ vựng, các anh chị tự về mà tra từ điển. Rồi cuốn giáo trình tiếng Pháp (chắc là in ở Pháp) giấy trắng tinh, đẹp như mơ cũng làm chúng tôi ngây ngất, vì chúng tôi đã quen với sách giáo khoa cũ sờn giấy đen thui. Sau này, chúng tôi mới hiểu rằng nội dung giáo trình Pháp văn đó được biên soạn cho phù hợp với thời bao cấp cách đây 30 năm, nên nó thật là ngô nghê. Toàn những đoạn hội thoại kiểu như:
- Hòa Bình, viens voir! (Hòa Bình, lại coi này)
- Qu'est-ce que c'est? (Gì thế?)
- Un tracteur. (Một cái máy cày!)
- Un tracteur? (Máy cày ư?)

hay:
- Où est Trường Sơn? (Trường Sơn đâu rồi?)
- Il est sous la table? (Cậu ta ở dưới gầm bàn.)
- Qu'est-ce qu'il fait? (Cậu ấy làm gì thế?)
- Il cherche son stylo. (Cậu ấy tìm cây bút.)

Chẳng có tý ty ông cụ nào liên quan đến văn hóa hay xã hội của nước Pháp, những điều mà chúng tôi khát khao muốn biết về một đất nước văn minh. Sau này sang Nga, tôi mới biết giáo trình tiếng Pháp bên đó còn tệ hơn nữa, của những năm 60-70, toàn những bài từ báo L'humanité (cơ quan ngôn luận của ĐCS Pháp), hay đại loại như vậy, làm chúng tôi cứ tưởng như nước Pháp chỉ toàn Đảng viên Cộng sản.

Tuy nhiên vào thời ấy, chúng tôi lần đầu học ngoại ngữ, tất cả những thứ "ngô nghê" đó đều thật là mới mẻ, thật là hấp dẫn. Cô Hương, cô Khang dạy tiếng Pháp siêu lắm, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng.

Những tiết học khác đối với tôi cũng thật tuyệt vời. Các thầy cô Chuyên ngữ dạy giỏi hơn các thầy cô ở Thái Nguyên của tôi. Thầy Cầu giảng Lý thật dễ hiểu mà nhanh gọn, nên bao giờ cũng dư 10-15 phút cuối giờ nói chuyện chính trị, xã hội, mà chủ yếu là ca ngợi Liên Xô. Thầy Cường dạy toán quá hay, thích hợp với học sinh khá. Tôi được các anh chị năm trên rỉ tai rằng đứa nào giỏi toán nên học thầy Thụy (giải toán toàn nhảy cóc), đứa nào kém toán nên học thầy Kưu (chậm rãi từng bước nhỏ). Cô Chi giảng văn hơi nhạt, nhưng năm sau lớp tôi học văn cô Thủy thì vui như Tết, vì cô hay dành thời gian đọc thơ tình cho học trò nghe. Thầy Thu dạy Sử, thầy Thung dạy Sinh, thầy Quang dạy Hóa, thầy Thiêm dạy Văn đều rất hay.

Cô Việt hiệu trưởng ân cần dạy bảo, các thầy các cô cũng chăm lo cho chúng tôi như con đẻ. Cứ thế, bao thế hệ học sinh trưởng thành từ "lò Chuyên ngữ". Đến này đã là khóa thứ 43 rồi. Các thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy đã về hưu từ lâu, nhiều thầy cô đã mất. K13 chúng tôi nay tóc bắt đầu bạc, nhiều bạn có con đang học Chuyên ngữ, nhưng có lẽ chẳng ai quên được những kỷ niệm về một thời Chuyên ngữ.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment